Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Truyện ngắn : CẦU THANG NĂM MƯƠI HAI BẬC - Bùi Thanh Xuân

  Ông thẫn thờ tới lui như người mất hồn. Cái sự rảnh rỗi nó quấy rầy đầu óc không chịu nỗi. Lui tới trong căn nhà mênh mông rộng, buồn hiu hắt như hồi đi đưa đám cha của lão Tổng giám đốc của mình về nơi an nghỉ cuối cùng.

Từ ngày hưởng cái án treo ba năm sáu tháng, về nhà ông thấy như đất sụt. Mọi thứ trôi tuột như giòng sông lũ cuốn. Mụ vợ tinh ranh đuổi con bé giúp việc về quê ngay tức thì. Nó mơn mỡn quá! Bả nói “ Mỡ kê ngay mõm mèo. Nguy hiểm!” Trời đất ơi! Mụ nói như vậy là có ý gì vậy, có trời mà biết!
Cái thời còn đương chức vừa có quyền vừa có tiền, ăn nói rỗn rảng, nhiều người phải nghe ông dù biết thừa điều ông nói không trúng không trật. Mụ vợ mặt mày lúc nào cũng tươi roi rói, vào ra ngân hàng còn nhiều hơn đi chợ.
Từ ngày thôi việc, nghỉ hưu sớm đến giờ mọi thứ đảo chiều. Ngay người vợ mmotj dạ hai thưa trước đây cũng chẳng xem ông ra gì. Lên mặt bà chủ ngay tức thì. Mẹ nó! Khong phải cái thằng đàn em phản phúc kia thì đâu có ra cơ sự này.
Chiều chiều, mụ vợ lấy tay xoa xoa nền nhà rồi than “ Bẩn quá! Tui suốt ngày chúi mày, xây xẩm mặt, không rảnh..”. Muốn mình có việc làm đây mà! Được thôi, tui chùi cái nhà này sạch sẽ cho bà sướng cái bụng. Bốn căn phòng, năm mươi hai bậc cầu thang cộng với bốn cái toilet. Vậy là vừa đủ cho một ngày. Bà cứ dày vò thân xác tui đi. Tốt thôi, ngủ thêm được tí nữa. Đỡ phải bốn giờ sáng thức dậy đi bộ.
Dạo này ông đau ốm nhiều. Cái tuổi chưa già lắm nhưng xương cốt cứ kêu lạo xạo. Chẳng bù cho những ngày còn đương chức sao mà sức khoẻ tốt thế. Xông pha biết bao trận mạc, bù khú chỗ này, chỗ nọ mà có sao đâu. Ông nằm nghĩ miên man. Chẳng lẽ lại cứ nằm dí ở nhà cho mà phí của trời. Mới năm bảy thôi mà. Nhưng mụ vợ này thâm thiệt. Mụ bảo : “ Gìa yếu rồi. Cứ ở nhà đấy, ưng chi tui chìu..”
Ông chuẩn bị bước vào nhà. Nhìn ra ngoài sân thấy loang loáng mái tóc màu hạt dẻ. Ông xoay người mạnh mẽ, mắt hau háu nhìn xuyên qua cây lộc vừng. Vuốt lại mái tóc rối, hai tay nắm lưng quần lắc qua, lắc lại cho ngay thẳng. Ông bước ra đứng sát tường rào. Cô gái vừa ngang qua cánh cổng sắt màu xanh nhà ông. Mông ngúng nguẩy khuất dạng sau cây lộc vừng.
Có lẽ cô gái không định đi thẳng mất dạng mà quay lại, ngồi xuống lùa thảm hoa màu đỏ rụng xuống đất,bên ngoài tường rào. Ông tiến lại gần cô gái, mắt hau háu nhìn vào bên dưới cổ áo cặp vú cô gái trắng nõn nà lồ lộ, phập phồng. Hạt nút trên cùng mở toang cho ông chiêm ngưỡng.
Cô gái giật mình ngước mắt nhìn ông, miệng lắp bắp : “ Ô..Ông.. làm tôi giật mình..”. Đôi mắt ông cụp xuống. Thì ra là mụ vợ của ông. Cơn rạo rực, háo hức bỗng tan biến nhanh. Mụ vợ lẩm bẩm : “ Ông ra đây làm gì. Không lau hộ tôi cái nhà..”
Chà! Không lẽ mình hoa mắt. Con gà mái sồn sồn nhà mình mà cứ tường cô gái nào. Mấy hôm mụ đâu có ngon như vậy. Thôi để tối tính được không..
Bốn miếng vải cho bốn cầu thang, năm mươi hai bậc
Khi ở đỉnh cao con người có hạnh phúc? Ông nghĩ, càng lên đỉnh cao con người càng cảm thấy cô đơn, lạc lõng, lạc đường và càng dễ đánh rơi hạnh phúc.
Cuộc đời ông như năm mươi hai bâc cầu thang mà hôm nay ông phải còng lưng, gập mình lau chùi cho trôi tuột hết những bụi bặm. Càng lên cao càng mệt mõi, đuối dần.
Mụ vợ vừa bước ra khỏi nhà. Chà, dạo này mụ ăn diện dữ. Mặc cái váy màu nhạt trông khuôn mặt mụ sáng trưng.
Ông bắt đầu từ bậc cầu thang đầu tiên, tay trái vịn lan can còn tay phải lia qua, lia lại thật nhanh
Ba, bốn, năm..Ông đếm mỗi khi xong một bậc. Miếng vải lướt trên trên mặt đá cầu thang.
Ông đã lướt đi cùng năm tháng, quét gọn những gập ghềnh, rác rưởi. Dọn sạch con đường cho ông leo lên đến chức giám đốc.
Bảy, tám, chín..
Cái thời làm tổ trưởng công nhân cầu đường thật vất vả. Lão đội trưởng ít học nhưng được cái miệng nói rang rảng nên ai cũng ngán. Ông nghĩ thầm : “ Nhưng loại này không ăn thua. Cái chức nhỏ này ông sẽ đoạt được thôi..”
Xong cầu thang thứ nhất rồi, mười ba bậc. Ông trườn người lên cầu thang thứ hai, lau tiếp nơi chổ dừng đầu tiên.
Đường công danh ông nhẹ nhàng vượt qua không mấy khó nhọc. Công ty của ông nhận xây dựng mấy công trình các tỉnh biên giới phía Bắc. Ông xung phong tình nguyện. Đương nhiên cái chức đội trưởng nằm lọt vào tay ông.
Bàn tay ông nắm chặt miếng vải lau qua, lau lại. Vừa lau vừa đếm. Mười bốn, mười lăm.. Mẹ! Cái lưng hắn đau. Không sao, mụ vợ đi làm về ông sẽ có thời gian đi mát xa. Mấy con bé mặc áo hai dây ngoan ngoãn quá. Thích nhất là lúc nó cúi gập người đằng sau lưng. Ừ, cũng hết tháng mình chưa đi cho chúng nó chà hai bàn tay lên cái bụng ục ịch. Được nằm ngửa cho nó ngồi lên đùi trườn mình thoa cái bụng thật sướng mớ đời.
Sảng khoái như lúc mình hất cái lão giám đốc cũ dành cái ghế.
Hai mươi hai..hai mươi ba..
Thỉnh thoảng ông cũng lội bộ ra phố tìm mua sách củ về đọc.
Thằng cha bán sách cũ vỉa hè vậy mà uyên bác. Bọn nhóc ham đọc thường đến lục soạn cái cửa hàng sách của lão trên miếng ni lông lót nền hay gọi là lão là Ngài giáo sư. Lão mặc cái quần thủng đáy nhưng không thèm vá lại cho kín, ngồi khép nép. Lão phơi tất tật. Có lần ông nhắc khéo, lão nói tỉnh bơ:” Đời có cái moẹ gì phải dấu. Nó cứ tuồn tuột đấy thôi . Để cho mát !”
Hai lăm, hai sáu.. Tay ông đập vào thanh inox lan can bầm tím.
Con bé quán Tứ Lục kháu thiệt. Chiều nay phải ra ngồi ngắm nó một tí. Ba bốn ngày rồi chẳng có ma nào gọi đi nhậu, ở nhà chán quá. Lần trước ông ngồi một mình ở quán này bị bà vợ ngang qua bắt gặp đang rù rì với con bé ngay cái bàn sát vỉa hè. Hôm đó cô gái mặc cái áo hở lưng, thiếu cả chỗ che rốn nhìn trông hay hay. Con gái nhà ai mà xinh đáo để. Chỉ tội cho nó lại đi làm cái nghề phục vụ quán nhậu cho mấy lão già sờ nắn.
Hai chín, ba mươi… Ông vịn lan can đứng dậy, bước vào toilet giặt cái khăn. Bụi bẩn theo dòng nước có màu cà phê sữa chảy rào xuống nền gạch men bóng loáng. Phải dội sạch thôi.
Bọn lính tráng cấp dưới đứa nào không biết vâng lời ông xua không còn một mống. Mấy đứa còn lại ông gột sạch sẽ như vắt miếng giẻ lau nhà.
Ba bốn, ba lăm.. Cái thời làm giám đốc công ty xây dựng tiền vào như nước. Cắt đầu nay, xén đầu kia có tiền đi Mỹ, đi Tây chơi thoải mái còn dư tiền cho con du học. Bạn bè nhìn ông lác mắt. Lôi kéo, sai khiến được mớ thằng.
Ba bảy, ba tám..
Nhớ lần đi Châu Âu, mùi da thịt cô gái Đông âu tóc vàng, tưởng nó thơm như con gái Việt Nam ai ngờ lại có cái mùi khen khét. Của lạ thử cho biết chứ so với mấy em hương đồng gió nội của mình thì thua xa. Thua đủ thứ, kể cả nghệ thuật nghề nghiệp.
Bốn mốt, bốn hai, bốn ba..Ông dừng tay, thẳng lưng, rướn người. Xuong sống sau lưng kêu răng rắc.
Cái thằng lính phó của mình đểu thật. Ngày nào anh anh, em em vậy mà hắn đành đoạn chơi mình, leo lên cái ghế của mình là quên phức. Nó tố mình làm ăn thất bát, bòn rút để công ty sa lầy không có lương cho công nhân. Mẹ kiếp! Cho nó đầy họng, cất nhấc nó lên phó để thay mình vậy mà nó chơi không thương tiếc.
Nhớ cái thưở còn đi học mình học hành cũng chả ra gì nhưng được cái miệng mồm nhanh nhảu, bạn bè chọn lọc nên rồi cũng qua được mỗi năm. A, Bạn bè chúng nó bây giờ chả là cái gì. Thời thế thay đổi rồi, ăn nói ai bằng mình. Dăm bữa nữa tháng tổ chức cho chúng ăn nhậu, nói gì chúng không nghe. Thằng nào có học hàm, học vị gọi đến nhà vài lần là sai bảo tuốt luốt hết.
Qúa biết chúng nó chẳng coi trọng gì mình nhưng thời buổi đồng tiền, chức vị ngự trị thì mình có nói gì chúng nó cũng nghe. Nhưng mà thấy cũng tội cho thằng bạn thích giao lưu với mấy kẻ có chức quyền. Bảo chi nó làm nấy.
Bốn mươi bốn, bốn mươi lăm..Ông thở hắt ra như người sắp đuối.
Càng leo lên chức vụ cao hơn càng thấy choáng. Tiền bạc dể kiếm nhưng lòng người khó lường. Khối thằng thèm thuồng cái ghế của ông vì nó “thơm” quá.
Cầu thang trên này bẩn thiệt. Bụi bám day, xả mấy cái khăn rồi không sạch.
Bốn mươi bảy, bốn mươi tám..
Mụ vợ dạo này lạ thiệt. Sáng cầu lông, chiều tenis. Đi làm về ít ngó ngàng gì đến ông. Mụ mặc bộ váy thể thao trông cũng ngon mắt thiệt nhưng lâu rồi không cho ông đụng vào làn da bụng trắng nõn. Không hiểu sức đâu mà mụ tham gia nhiều môn như vậy. Có khi đi đến khuya lơ mới về, xụi lơ.
Hôm bù khú với mấy lão bạn già tâm phúc về, mình để quên điện thoại ở phòng khách. Mụ vợ láu lỉnh mở ra xem. Đang ngồi lướt web xem hình mấy em thiếu vải nghe giọng mụ hắt lên lầu : “ Nè ông! Xuống đây tui hỏi..” . “ Cái gì thế? “ – “ Ông trả lời tui đi. Ai là “Tia la de” ? Ai là “Hắn nịnh kệ”. Mấy số điện thoại này là của ai? Nói đi! “.
Ông hoảng hốt. Đó là bí danh của mấy con bé tiếp thị bia Larue và Heniken. Làm sao mà mụ vợ biết. Lạ quá!
Bốn chín..
Có mấy thằng đàn ông theo mụ vợ về tận cổng nhà rồi đi thật nhanh. Lạ quá! Mụ vợ thì thầm gì đó với chúng nó ông không nghe rõ lắm. Lúc này trông bả duyên dáng, hấp dẫn thiệt. Người trẻ ra, phơn phỡn. Bốn chín rồi mà cứ như ba mươi. Không còn ham muốn chuyện vợ chồng nên hay tìm gặp bạn bè trò chuyện cho khuây. Mụ vợ nói với ông như vậy. Thôi, mặc kệ.
Năm mốt, năm hai.
Khi người ta bước lên đỉnh cao sự nghiệp đó cũng là lúc sẵn sàng bị đạp xuống sườn dốc. Ông bị cái thằng phản phúc chơi một nhát lăn tuột xuống chân đồi. Mất hêt! Sự nghiệp, công danh và cả mụ vợ sồn sồn hồi xuân nữa.
Xong!
Ông ngồi bệt trền nền gạch men, lưng dựa vào tường thở dốc. Mẹ kiếp! Đã bảo mụ vợ kiếm cho con bé giúp việc làm cái công việc tầm thường này nhưng mụ cương quyết nói không. Mụ nói :
“Đem chúng nó về ở trong nhà một mình để ông “đớp” cho nhanh, hử.”
Ông níu lan can cầu thang đứng dậy bước ra sân thượng có mái che phía sau mở vòi nước giặt đống khăn lau nhà.
Ông cảm thấy xốn xang. Có nhiều việc cần phải làm, đã hứa nhưng chưa thực hiện, ông ghét bản thân nhiều đến nổi không muốn nhìn nhận nó nữa. Thi thoảng nhìn lại thấy lạ lẫm phát ghét. Đồng ý phải khác đi để chấp nhận cuộc sống mới, để già đi trong thanh thản nhưng không phải như cái mà ông từng nghĩ, từng hi vọng. Hóa ra, ông không thể còn là chính ông sao.
Ba mươi năm vùng vẫy ông từng ở trên thiên hạ, thay vì sẽ là người thế này lại trở thành người thế kia. Lạ hoắc.
Từ ngày về nhà, mỗi ngày cứ dò dẫm kiếm tìm lối đi, tù mù quá, mắt có mở to nhưng không thể thấy. Ông đau lắm! Gần như là thấm đẫm vào từng thớ thịt, làn da, ăn sâu vào xương tủy, thít chặt không thoát ra được. Bức bối. Diễn đạt không thành lời muốn nói.
Không thấy, không nghe, không nói được. Đau đến ngạt thở nhưng không thể không sống.
Đời vốn thật đẹp nhưng chính ông đã tự bôi bẩn nó.
Mỗi ngày năm mươi hai bậc cầu thang. Từ bậc thứ nhất đến bậc cuối cùng ông có nhiệm vụ quét sạch rác rưởi, bụi bặm.
Liệu ông có dọn sạch bụi bẩn, vớt hết rác rưởi trong tâm hồn ông.

BÙI THANH XUÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét