Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

45 NĂM ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN - Bùi Thanh Xuân ( PCT 68-75 )

Thầy Hoàng Bích Sơn
Bốn mươi lăm năm!
Khoảng thời gian không ngắn nhưng cũng có thể vừa đủ cho một đời người.
Bốn mươi lăm năm!
Những cậu con trai mười một, mười hai tuổi nghịch ngợm ngày ấy, bây giờ đã trở thành những ông già tóc bạc vỡ oà niềm vui, hạnh phúc cùng gặp nhau trong buổi chiều nắng đẹp 24/8
Tôi tưởng mình là người háo hức nhất, nôn nóng đến nơi tập trung đúng giờ. Nhưng không phải vậy. Khi tôi đến đã có hơn năm mươi bạn đang cười đùa, mừng vui ngay trước cửa nhà hàng. Những khuôn mặt lạ và quen. Có những người bốn mươi năm mới gặp lại nhau. Có những người ra đi rồi trở về những cũng có những bạn không còn nữa. Này Lê văn Dũng, Phạm Mai, Trần Văn Hai, ..đã ra đi mãi mãi. Những bạn ấy đã có một chổ hẹn khác, nơi mà những người bạn còn lại rồi cũng đi đến chổ hẹn ấy một ngày nào đó. Có thể gần hay xa.
Tôi gặp lại khá nhiều bạn bè củ. Những thằng học trò mỗi thứ hai hãnh diện mặc bộ đồng phục màu trắng, mang bảng tên trường có ba chữ duy nhất ở thành phố này đến trường.
Trường Trung Học PHAN CHÂU TRINH ĐÀ NẴNG

Bốn mươi lăm năm trước những cậu bé nghịch ngợm nhưng chắc chắn một điều là tất cả đều học giỏi và nỗi bật, từ hàng chục trường tiểu học trong và ngoài thành phố đã trãi qua kì thi khó khăn để được vào học trong ngôi trường nỗi tiếng ở miền trung này. Điều đặc biệt, niên khoá của chúng tôi nhập trường sau biến cố Mậu Thân, 1968 nên phải nhập học trể và ngày rời trường là năm đất nước vừa hết chiến tranh. 1968-1975. Có thể vì sự kiện đặc biệt của hai năm này, ngày vào trường và ra trường của niên khoá chúng tôi mà bạn bè luôn nhớ nhau, gần gũi nhau.
Bốn mươi lăm năm sau, mỗi người đi theo con đường sự nghiệp riêng của mình. Có bạn may mắn và thành đạt nhưng cũng không ít người vật vã với cuộc sống nhọc nhằn.

Gặp lại nhau trong buổi chiều giữa Thu ấm áp, có những giọng nói run run, những giọt nước trong khoé mắt nhưng mọi người đều cảm thấy hạnh phúc dâng tràn. Tôi thật sự cảm động khi mọi người còn đang ân cần hỏi thăm nhau ngay trước hội trường thì các vị giáo sư trước đây đã dạy dỗ chúng tôi đến. Những khuôn mặt ngây ra trong giây lát, không ai bảo ai, mọi người dạt ra hai bên, vòng tay, cúi đầu nghiêm túc đứng chào đón. Khoảnh khắc ấy mới tuyệt vời làm sao. Giây phút ấy quá xúc động nên không bạn nào nghĩ đến chuyện chụp một bức ảnh để lưu lại. Từ mái trường PHAN CHÂU TRINH chúng tôi đã được học môn Công dân. Tôn Sư trọng đạo là điều mà tất cả chúng tôi đã học và luôn thể hiện bất cứ hoàn cảnh nào trong đời mình. Một Giáo sư Tiến sỹ, hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa kính cẩn, lễ phép trước vị Thầy trung học bốn mươi năm trước như một cậu học trò nhỏ bé đang đứng trước mặt Thầy là một hình ảnh rất đẹp và đáng trân trọng.

Mười hai bàn kín ngưởi. Có những bàn ngồi đến mười bốn, mười lăm người. Nhưng rồi chẳng ai chịu ngồi yên một chổ. Không còn “lanh chanh, láu táu “ như thuở làm học trò nhưng vẫn còn cái nét gì đó như giờ ra chơi của thuở ấy. Ồn ào, mi tau. Làm sao có thể diễn tả được tâm trạng của những cậu học trò đã già này. Nhiều người sau bốn mươi năm mới nhìn lại được những khuôn mặt bạn bè. “ Ê. Mi học Thất mấy?” “ Tao quên rồi mi nợ! Không nhớ Thất mấy nữa. Chỉ biết thằng lớp trưởng tau là Tạ Văn Nhứt thôi”… “ Ê! Mi nhớ không? Mi mê em nớ nhưng em nớ yêu tau..”. “ Xì! Tau chở em ấy đi mấy lần. Mi được không? Ha ha!”…” Tao bị kêu lên bảng,trả lời không được bị Thầy Tâm tai mấy cái, mặt tao dính vô cái bảng luôn mi nợ!”.. “ Thằng S. hắn “bợ” được một em bên trường nữ..” .. “Thằng X. hắn đểu. Âm thầm đến nhà thằng K. “cù” được con em gái..” . Những câu nói như thời trẻ dại ấy vang vang khắp hội trường. Tiếng cười vỡ tan như đến giờ học bỗng Thầy cô cho nghỉ.

Cả hội trường lặng đi khi một bóng hồng xuất hiện. Bước đi chậm rãi, thanh thoát của cô bạn H. trong áo dài thướt tha nhẹ đi vào. Òa vỡ những ánh mắt nhìn theo cô bạn hoa hậu ngôi trường Nam sinh ngày nào. Nhiều người không biết H. học lớp nào trước đây. Có cậu học trò nào dám “xớ rớ ” đến gần cô bạn xinh đẹp như thiên thần ngày ấy. Chắc là không dám rồi. Tôi không rõ H. vào nhập học từ trường nào. Khi lên đệ nhị cấp, trường chúng tôi có những ban thiếu học trò nên phải tổ chức thi tuyển học sinh từ trường tư thục vào hoặc cho một số học sinh trường Ngoại ô, Đông Giang bên quận 3 qua học cho đủ sỹ số. Có lẽ H. nằm trong số học trò này.
Chương trình ca nhạc dự kiến sẽ không có để cho mọi người trò chuyện với nhau nhưng đã không ngăn được những ca sỹ lừng danh một thời Phan Châu Trinh. Khi chàng ca sỹ tài năng Vĩnh Yết cất lên lời ca “ Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ..” cả hội trường lặng đi với giọng ca cao vút và trong của Y. Anh chàng này ngày xưa lẽo đẽo theo chân một em nữ sinh bị em ‘mắng’ te tua. Nhưng sau đó vì “thương hại” anh chàngsi tình đến khờ dại này nên đã chuyển “ xụi thành bại”. Em bé nữ sinh xinh đẹp đã nhặt chiếc lá khô trước cổng trường mà Y. cố tình đánh rơi. Mối tình Ngày Xưa Hoàng Thị mãi mãi là một kỉ niệm không bao giờ phai nhạt trong trái tim cặp vợ chồng có mối tình lãng mạn này.
Chuyện cuộc sống gia đình, chuyện con cái được mọi người hỏi han nhau. Có những bạn rụt rè vì cuộc sống không thành đạt của mình nhưng khuôn mặt vẫn rạng rỡ niềm vui.
Nhiều bạn bè thành đạt nhưng không ít người vất vã sau cuộc chiến. Nhất là những bạn có Cha là sỹ quan trong chế độ củ. Vì lí do nào đó mà những người này không còn tiếp tục đi học hoặc có điều kiện tiến thân. Riêng lớp đệ Thất ba của chúng tôi đã có hai phần ba là có dính dáng đến lí lịch nên phần đông không được thành đạt. Có bạn đến bây giờ vẫn còn chạy xe thồ kiếm sống. Có bạn vất vã mưu sinh để lo cho vợ con như bạn N.H.T. Một nữa bạn trong lớp ngày ấy đã học băng, có bằng Tú tài IBM. Họ học giỏi nhưng hầu như những người có bằng Tú tài trước một năm lại là những người thiếu may mắn. Không hiểu vì sao?
Nhưng dù có làm gì, cuộc sống ra sao thì thế hệ con cái chúng tôi bây giờ gần như đều học hành giỏi giang. Có nhiều cháu hiện là giảng viên đại học, nghiên cứu sinh, thạc sỹ..Được đào tạo những trường nỗi tiếng trong nước hoặc đi du học nước ngoài.

***

Để có được sự thành công trong lần họp mặt này phải nhắc đến nhân vật chính là Huỳnh Đình Huệ. Ông này được cái là rất nhiệt tình với bạn bè. Một hôm Huệ đến rỉ tai chúng tôi.” Mi ơi! Bốn mươi lăm năm vào trường rồi. Làm cái chi đó đi..” Thật ra “ làm cái chi đó” vẫn nau náu trong lòng những cựu học sinh PCT ĐN chúng tôi nhưng không ai mạnh dạn đứng ra tổ chức. Vậy là một ban liên lạc hình thành dưới sự “ điều hành “ của Huệ. Năm lớp trưởng đều ủng hộ tuyệt đối. “Nhiệt tình, hăng hái, lăng xăng” và “dễ nhờ” nhất là bạn H.H.C. và P.H.D . In băng rôn, trang trí hội trường, khuân vác, trèo lên, tuột xuống đều có mặt hai bạn này nên trong buổi gặp mặt bạn bè, hai người này được ưu tiên cho chụp hình nhiều nhất.

Trước ngày gặp mặt, lớp trưởng đã đến nhà những người bạn ít may mắn hơn trong cuộc sống để động viên những bạn ấy tham dự. Kết quả đạt được quá sự mong chờ của mọi người. Của những cậu học trò mười một, mười hai tuổi bốn mươi lăm năm trước.

Tôi luôn tự hào mình là cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Thời trung học, tôi đã vào ba ngôi trường nhưng chưa có nơi đâu bạn bè lại biết yêu thương, gần gũi và tương trợ nhau như bạn bè PCT 68/75 chúng tôi. Vẫn luôn thân thiện như ngày còn cắp sách đến trường. Không còn phân biệt Thất này, Thất nọ. Chỉ còn là học trò Phan Châu Trinh sáu tám, bảy lăm. Gặp gỡ nhau thường xuyên và trong những lần gặp như vậy đôi khi lại đùa nghịch, cãi vã nhau như trẻ nhỏ. Gọi nhau mi tau và tình cảm dành cho nhau không cần phải che dấu. Không có sự gượng gạo, khách sáo như những bạn bè nơi khác tôi đến học.

Khi tôi viết bài này cũng là lúc làm tuần cho bạn Phạm Mai, người bạn đã rời bỏ cuộc chơi. Gia đình Mai rất nghèo, khi hay tin bạn mất chúng tôi đã cùng nhau góp sức cho bạn ấy về nơi an nghĩ cuối cùng thật mỹ mãn. Số tiền bạn bè niên khoá 68/75 từ khắp nơi đóng góp hơn năm mươi triệu đồng. Một con số khá ấn tượng nói lên tình cảm bạn bè chúng tôi dành cho nhau.

Lần gặp mặt sau liệu ai còn, ai mất.
Chúng tôi chia tay nhau thật cảm động. Một buổi gặp mặt đông nhất, tình cảm nhất từ trước đến nay.

Bùi Thanh Xuân
Đệ Thất ba




Chú thích : Bài viết & hình ảnh do anh Thanh Xuân chia sẻ trên Điểm Hẹn_Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét