Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

Truyện ngắn & tạp văn của tác giả Bùi Thanh Xuân ( cựu HSPCTĐN 68-75 )

 Trích vài đoạn (3343 chữ) bị NXB Hội nhà văn cắt khi duyệt bản thảo tập truyện ngắn & tạp văn GIỮA PHỐ PHÙ HOA của tác giả Bùi Thanh Xuân :

THẰNG HỀ

“Thằng hề” là một diễn viên đặc biệt, có tài diễn xuất, lôi cuốn khán giả và không bao giờ lấy đi một giọt nước mắt của họ. Nó nhân ái, bao dung.
Trên sân khấu, khi nó cười, thiên hạ cười theo. Nhưng nó khóc, rơi những giọt nước mắt, khán giả vẫn cứ cười.
Mang lại niềm vui, tiếng cười cho nhân gian, nhưng “thằng hề” cũng là con người, cũng vui buồn, hỉ nộ ái ố. Không ai có thể thấy được đằng sau những nụ cười, là nỗi buồn, nước mắt. Cười hay khóc, chỉ mình nó biết thật, giả mà thôi.
Rời sân khấu, “Thằng hề” tủi thân, khóc. Người ta nghĩ nó đang diễn trò.
Bây giờ người ta không gọi là “Thằng hề” nữa. Một danh xưng khác, xứng đáng với người nghệ sỹ chân chính hơn. “Diễn Viên Hài”.
Nhưng sự chân chính, cống hiến cho nghệ thuật, “Thằng hề” trong sáng hơn diễn viên hài.
Trên sân khấu hiện đại, khó tìm một diễn viên hài có tài và đức thật sự. Họ chạy theo đồng tiền và những danh hiệu. Những câu thoại của họ trên sân khấu, lắm lúc vô duyên, thô tục.
Ngoài đời, trong xã hội hiện nay, có vô số thằng hề. Bọn họ diễn đạt “tài năng” tinh vi hơn những diễn viên hài. Họ có mặt ở bất cứ đâu trong mọi lĩnh vực khác nhau. Họ xảo quyệt, tham lam, máu lạnh. “Tài năng” sở trường của họ là không biết xấu hổ.
Trên sân khấu, màn từ từ hạ xuống, “thằng hề” buồn, khán giả vỗ tay, mang theo nụ cười về nhà.
Ngoài xã hội, những thằng hề lúc nào cũng vui tươi, hả hê. Nhưng chúng luôn bị thiên hạ nguyền rủa.
 
CÁI THỚT
 
Thớt bằng gỗ trông hiền lành hơn thớt nhựa. Thớt bằng nhựa, chặt nghe không suớng, nên người ta tìm mua cho được thớt gỗ. Vừa rẻ, tiện dụng, truyền thống hơn.
Nhà ai cũng phải có một cái. Không có thớt, chẳng lẽ lấy lưng, người kê, người chặt.
Thớt như người thân trong nhà, gần gũi tình thương, mến thương. Vậy nên người ta hay gọi trìu mến là "cái thớt".
Thuơng thì thương, nhưng ngày nào cũng mang thớt ra chặt.
Cạch.. cạch.. cạch..
Thớt càng ngày, càng lõm, xù xì, sần sùi, nhớp nháp. Thớt xịn xài lâu, có khi hằng chục năm chưa bỏ. Nhưng rồi cũ quá cũng phải thay cái mới. Thớt buồn, thớt nói loài người chơi không đẹp, qua cầu rút ván.
Thớt hiền hòa, nhân hậu, chịu đựng, chẳng hại ai bao giờ. Vậy nên người ta hay bảo "giận cá, chém thớt". Chém mấy, thớt cũng ráng cam chịu, không phản đối, biểu tình, bạo động.
Nhưng có lúc người chủ ác quá, thớt đau đớn mà chống đỡ. Có khi bàn tay chủ bị tổn thương. Nặng thì đi đứt ngón tay. Nhẹ thì liếm miếng da. Hoặc thớt giãy nãy, nhảy xuống nền nhà, trúng ngón chưn cái.
Khi chủ không cần, thớt nằm lặng lẽ trên vách tường, không tham sân si, hỉ nộ ái ố.
Người ta ghét ai, hay bị mắng cái "đồ mặt thớt". Thiệt oan cho cái thớt.
 
BUỔI SÁNG Ở PHÒNG VẬT LÝ TRỊ LIỆU
 Trích.
 
Gã mập nói quê hương mình đẹp lắm, lại giàu sang nữa, ai cũng thèm muốn tới đây sinh sống, du lịch.
Ông ốm:
-Cũng còn tùy. Người này thích, nhưng người kia không thích. Người này thấy đất nước mình giàu có, nhưng người kia thấy nghèo xác xơ.
Ông mập cãi:
-Sau mấy chục năm thống nhất, quê mình chừ giàu có, phồn vinh lắm rồi. Á đau!
Cô bác sỹ trẻ châm mũi kim vô xương sườn gã mập.
-Tại chú nói chuyện, nhúc nhích nên mũi kim bị lệch.
-Ờ, gặp bạn, nói cho quên đau. Không phồn vinh mới lạ. Mi đâu còn ăn cơm độn nữa.
-Tất nhiên! Nhưng như vậy đâu có nghĩa là phồn vinh như mi nói.
- Nhiều người bên Tây muốn qua mình ở luôn. Rõ ràng đất nước mình phồn vinh chớ chi nữa.
-Có mà Tây nhà đèn. Mi bị nhũn não hả?
-Nhũn cái miệng mi. Đất nước mình đang thời kì phốn vinh, thì tau nói phồn vinh. Mi cứ cãi.
-Tau chẳng thấy phồn vinh chỗ nào hết. Đủ ăn là may rồi. Mi làm giám đốc doanh nghiệp nhà nước, có màu mỡ. Tau công chức quèn, nghèo, nhưng may chưa rớt mồng tơi.
Gã ốm châm cứu xong, mặc áo quần chuẩn bị ra về. Gã mập vớt vát cái phồn vinh của mình:
-Số phận, mi ơi! Mi bạc nhược quá! Không tự hào sự phồn vinh của đất nước mình.
Gã ốm trợn mắt:
-Có mà “Phồn cái..”. Kêu mấy đứa con mi ở Mỹ về cho phồn vinh kìa. Đù, Được như mi mới thấy đất nước phồn vinh. Bao người còn nghèo khó. Mở miệng ra cái phồn..phồn. Tau về, mi cứ úp mặt vô cái lổ đó mà phồn.
 
CHUYỆN XÓM CHÓ
 
Một dãy nhà khang trang dọc theo đường chính, người ta gọi xóm quý tộc. Hay còn gọi là xóm ngoài. Gồm những gia đình có chức quyền, khá giả. Những ngôi nhà cao, cổng sắt luôn đóng kín. Chó nuôi trong nhà cũng quý phái, sang trọng như người. Loại chó vừa to, vừa đẹp, khôn ngoan, hung dữ.
Đằng sau xóm quý tộc là quần thể của xóm nghèo, khoảng bốn chục ngôi nhà tường xây, mái tôn hoặc ngói. Những ngôi nhà thấp bao chung quanh khu đất rộng, dành nơi sinh hoạt cho trẻ con. Bầy chó xóm nghèo cũng hay tụ tập nơi đây, đùa giỡn, rượt đuổi nhau. Đôi lúc chúng giành ăn, cắn xé nhau. Với người lạ xuất hiện trong xóm, bọn chúng đi quanh phòng thủ.
Khác với đám chó nhà giàu quý tộc, chó quê có tên dễ gần. Vàng, Mực, Lu, Ki..Không phải cong môi, uốn lưỡi để gọi tên như mấy con chó quý tộc.
Chó quê gặp đâu ị đó, miễn không phải trong nhà là được, chúng tự lo cho bản thân mình. Chó quý tộc thì khác. Phải có chủ dắt ra ngoài cổng, đi đâu đó. Nhưng nhất định không thèm vào khu đất trống của bọn chó quê.
Chó quê chẳng thèm chơi với đám chó nhà giàu. Bọn chúng chảnh chó, sach sẽ quá.
Không ai thấy bức tường vô hình, nhưng nó vẫn sừng sững giữa xóm trong và xóm ngoài. Giữa chó với chó, người với người. Mỗi năm, bức tường ấy mới bị phá vỡ một, hai lần, vào dịp họp tổ hay tất niên. Mấy đứa giúp việc nhà giàu có cơ hội gặp nhau trong hội trường xóm, hòa nhập cùng với dân xóm nghèo.
Họp tổ dân phố chẳng có gì quan trọng, đóng tiền là chính. Tổ trưởng phát cho mỗi nhà một tờ giấy bọc nhựa, có ghi mấy chữ GIA ĐÌNH VĂN HÓA. Mấy ông bà chủ xóm ngoài bận rộn, không thể hạ mình, đến ngồi chung với bần dân lao động. Không đi, sợ mang tiếng chảnh chó, chi bằng giao cho mấy đứa ở tới hô OK, có, là được rồi. Mấy đứa giúp việc cũng muốn ra khỏi cánh cổng sắt, bức tường bê tông, hưởng không khí tự do.
Chủ sao, tớ vậy. Bọn họ cũng sang chảnh lắm. Nói chuyện huyên thuyên, mặc kệ tổ trưởng đang thao thao về tình làng, nghĩa xóm. Em nào cũng có cái nhẫn đeo tay, cổ tròng sợi dây chuyền vàng. Có em mặc váy, khoe cái đùi trắng nõn, móng chân đỏ choét. Có em kể chuyện có lần theo chủ qua tây, qua Mỹ cho đồng nghiệp nghe, thỉnh thoảng chêm vài tiếng Mỹ, cho sang.
Chó xóm ngoài ngày đêm gát mỏ lên bờ tường, hóng ra ngoài, nhìn bọn chó nhà nghèo mà thèm. Bọn chúng thèm được tự do, chạy nhảy. Bị nhốt trong nhà, bọn chúng bực bội, khó tính, thấy người lạ đi ngang qua, sủa vang. Một con sủa, cả xóm quý tộc chó sủa theo.
Vì vậy mới có cái tên xóm chó.
Chó cũng biết chuyện trò thân mật. Chó xóm trong gặp nhau thường xuyên. Chúng ư ử chuyện trên trời, dưới đất.
Chó quý tộc khó có cuộc gặp gỡ đông vui, thân tình như chó xóm trong. Họa hoằn lắm vào buổi sớm mai, chủ dắt chó đi dao, vài ba con gặp nhau, hít hà, than thở chuyện gì đó, có chó mới biết.
Nhà nước giải tỏa khu xóm nghèo để xây dựng trung tâm thương mại. Người dân được đền bù thỏa đáng, xóm nghèo xóa sổ. Mỗi gia đình được cấp hai lô đất, đường mười một mét, phía sau trung tâm thương mại, cùng một số tiền khá lớn. Họ đổi đời. Những ngôi nhà hai, ba tầng vừa mới xây dựng xong, san sát nhau. Cơ hội cho họ mở cửa hàng, kinh doanh mua bán.
Người ta không nuôi chó quê nữa. Không biết bọn nó đi về đâu? Cho người khác nuôi, hoặc vào các lò mổ? Nhiều gia đính mua chó cảnh, nhỏ nhắn, lông trắng tinh về nuôi. Vài tháng sau, có người phải bán hoặc cho người khác nuôi.
Phiền phức quá, họ không quen. Vệ sinh, tắm rửa, làm đầy tớ cho chó, mất quá nhiều thời giờ của họ.
Hàng xóm, láng giềng cũ không còn thân thiện chuyện trò. Họ đổi đời, đổi luôn cả tính.
Tội nghiệp bọn chó quê. Chúng không có cơ hội để được nâng cấp lên thành chó trung lưu.
 
ĐÀN CHÓ CỦA LÃO CAO TẶC
 
Ông bạn tôi nói "Nó ăn thịt chó như chó.." Chó không ăn thịt chó, hắn khuyên tui đừng ăn thịt chó là sao? Thằng Phèo xóm tui đó mà. Tui có đời nào ăn thịt chó chớ. Chó nuôi như con mình, ăn sao được chớ.
Người ta khen thit chó ngon, nhứt là dồi. Tôi chưa ăn bao giờ nên không biết ngon dở. Nghĩ đến việc cầm đũa gắp, là kinh rồi. Không phải kinh vì mùi tanh hay không hạp khẩu vị. Tôi kinh, vì chó như đứa con mình.
Làm người, ai nỡ ăn thịt con mình.
...
Mắt to, mày rậm, đầu tóc bù xù, trên mặt lại có vết sẹo vắt ngang, trông lão chẳng đẹp trai hơn Chí Phèo.
Nhà lão đầu hẽm, mặt tiền đường lớn. Lụp xup. Không rộng cũng nhà mặt tiền. Lão chẳng thèm sửa sang. Muốn sửa cũng chẳng có tiền, cái nghề vá xe máy bữa đực, bữa cái, lấy đâu ra? Tiền kiếm được, chỉ đủ nuôi lão với bốn con chó.
Ai lỡ dại xúi lão bán nhà hoặc hỏi lão trước đây làm nghề gì, vợ con đâu không thấy, tại sao có vết sẹo trên mặt, lão mắng: "Đ.m, c*..tao ". Có khi vui, trò chuyện lão cũng chêm hai từ " C** tao.."
Vậy là cái tên Cao Tặc gắn liền với thân thế, sự nghiệp của lão. Không ai bầu bạn với lão ngoài bốn con chó lông vàng, đen, trắng, nâu. Lão không đặt tên theo màu lông mà là.. Hận, Đời, Đ**, Đẹp. Tới bữa ăn, lão gọi tên bốn con chó, khiến ai ngang qua cũng giựt mình.
Lão thích nhất con Đ**. Trông nó có vẻ thùy mị và biết nghe lời. Có khi khách vào vá xe, hỏi có làm không anh? con đ** chạy ra mừng khách, lão hét: "Đ**". Vậy là khách dắt xe quay ra, đi mất.
Có lúc khách trả tiền, con Đẹp xoắn xít trước mặt, lão hét "Đẹp!". Khách hoảng hốt, ngó vết sẹo trên mặt lão, móc thêm mấy chục.
Một hôm, Cao Tặc đang ngồi vá xe cho một phụ nữ còn khá trẻ. Hận Đời Đ** Đẹp nằm hớt mỏ nhìn ra đường. Bỗng con Đ** phóng nhanh qua bên kia đường như tên lửa.
Đằng sau vẻ mặt hiền lành là một sức sống mãnh liệt. Đ** chưa bao giờ biết khuất phục đối thủ nào.
Cao Tặc hất thau nước, nhảy vụt theo, hét " Đ’’.. Đ’..". Bên kia đường, ở đâu ra sừng sững con chó đực. Người đàn bà cầm trong tay sợi xích, cố níu lại, bất lực nhìn con chó giống Phú Quốc sáp lá cà với Đ**.
Trận thư hùng làm tắt nghẽn giao thông. Cao Tặc biết con Đ** không thể nào địch nỗi giống chó hung dữ kia. Lão mặc độc chiếc quần lửng, đứng sát lề đường, nhảy như ma tế: " Đ**.. Về! " Chủ con chó Phú Quốc cũng nhảy nhót, gọi thất thanh con chó của mình " Em..Em.. " Chắc tên con chó.
Bên này đường, Cao Tặc hét "Đ**.. Về! .Bên kia, người phụ nữ la to:" Em..! thôi .. ".
Bản hòa âm "Đ** em thôi nữa" cùng tiếng gầm thét của Đ** với Em cứ vây lập đi, lập lại, tạo nên không khí vui nhộn, của đám khán giả bất đắc dĩ.
Ba con chó Hận, Đời, Đẹp nhảy ra cứu Đ**.
Trận xa luân chiến kết thúc khi lão Cao Tặc cầm khúc gỗ chạy ra phang tứ tung. Kết quả Đ* và Em cụp đuôi, bên bại bên xụi. Cơ hội cho hai chủ chó nhìn nhau, cười hì hì.
-Em mãnh liệt thiệt!. Cao Tặc nói.
-Con Đ** nhà anh hung tợn quá.
Mấy tháng sau, cả xóm được mời dự tiệc cưới. Chú rễ là chủ con Đ**. Con Em có bà chủ làm dâu. Vài tháng sau, chủ con Đ** có tiền xây nhà tầng. Chủ con Em không còn ở trong hẽm ngoằn ngoèo nữa, ra ngự mặt tiền.
Em, Hận, Đời, Đ**, Đẹp sống hòa bình, ngày ngày hớt mỏ nhìn ra đường.
 
MÔN ĐĂNG HỘ ĐỐI 
 
MC giới thiệu nhà gái:
Tôi xin giới thiệu nhà gái tham dự lễ cưới hôm nay:
-Anh M. bác ruột cô dâu, giám đốc nhà máy XM 007.
-Anh L. bác ruột, viện trưởng viện HHD.
-Anh N. chú ruột, phó giám đốc nhà máy SPL.
-Chị Ph. Cô ruột, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn CLQ.
-Anh P. cậu ruột, giám đốc công ty CMN.
-Chị K. Dì ruột, giám đốc chi nhánh ngân hàng LOL.
-Các anh chị phía sau là cô dì chú bác của cô dâu, cán bô cấp trưởng phòng đến giám đốc, làm việc trong tổng công ty ĐMN.
..
Đại diện nhà trai:
-Anh ngồi ngoài cùng, duợng rễ, xe ôm.
-Chị ngồi kế bên phải, Cô ruột, kinh doanh chợ đầu mối.
-Anh ngồi cạnh chị đầu mối, chú ruột, kinh doanh sắt phế liệu.
-Anh ngồi bên phải anh phế liệu, cậu ruột, chủ lò ấp trứng.
-Chị ngồi cạnh bên trái, dì ruột, đại lý phân phối rau sạch.
-Chị ngồi thứ sáu, bên phải anh ấp trứng, dì ruột, sĩ và lẽ các loại bao bì.
-Các anh chị đứng hàng sau là chú bác cô dì chú rễ, làm việc. tại các chợ và thợ xây dựng tại các công trình trong thành phố.
Điện cúp, nóng. Ông bực cái đám người cái gì cũng biết. Chỉ có cái không biết xấu hổ. Ông trung niên, không biết bà con bên nào, đang đứng dựa tường chờ xong lễ, thủng thỉnh cởi áo vest, vén tay áo sơ mi trắng tinh, để lộ mấy hình xăm, xin phát biểu:
-Tôi, bà con hàng xóm với mụ gia cô dâu, mượn đị họ. Chuyên buôn đất nghĩa trang và sản xuất đồ cúng. Từ cây kim, sợi chỉ, ô tô các loại, điện thoại di dộng cho đến chiếc phi thuyền.
Hàng cung cấp nhiều nơi. Thân nhân các trọc phú quá cố đặt hàng thường xuyên. Đặc biệt, người quen hai họ giảm giá 20 phần trăm.
Sau phát biểu của chàng trai xăm trổ, buổi tiệc bắt đầu. Nhà trai viện cớ đến giờ rước dâu nên ăn uống nhanh.
Bà con hai họ lần lượt lên xe. Ông không nhìn thấy chàng trai xăm trổ đâu nữa.
Tr.52: Ông đọc lớt phớt tin tức thờ sự, không bận tâm chuyện cô nhà báo bưng bô muốn trở thành anh hùng dân tộc.
 
HAO MÒN NIỀM TIN
 
Buổi sáng vội vàng. Vào cái giờ ai cũng tất bật trên đường. Nhận một cái gật đầu, nụ cười cám ơn của ai đó khi mình nhường cho họ băng qua đường, lòng vui.
Không phải ai cũng tặng lại cho mình nụ cười. Có người thản nhiên đi qua. Có người liếc nhìn mình như sinh vật lạ. Có người cho đó là trách nhiệm của mình phải dừng lại cho họ qua. Nhưng chắc cũng có người biết ơn., nhưng không đủ thời gian và khoảng trống để họ trả lại cho mình nụ cười.
Gì đi nữa, mình được cái lòng thanh thản. Sự thanh thản đó giúp mình sống tốt hơn.
Khó để tìm được sự tử tế giữa người với người trong một xã hội lắm rối ren, toan tính.
Nhiều người ảo tưởng tin vào sự độ lượng của luật pháp. Họ sống tàn nhẫn vào ban ngày. Nhưng ban đêm họ trằn trọc, đi tìm chút lương thiện. Họ tựa vào tâm linh, vịn vào thánh thần, chùa chiền. Họ không tiếc tiền, góp của vào xây dựng những ngôi chùa đầy âm khí của bọn ma quỷ đội lốt thiên thần. Họ ảo tưởng đặt lòng tin vào cửa Phật sẽ xóa đi những tội ác đã gây ra.
Tội ác len lỏi khắp nơi, nó luồn lách từng ngỏ ngách trong xã hội. Sự sợ hãi và đề phòng khiến con người mất dần cảm xúc, trở nên lạnh lùng.
Tội ác ngày càng lan rộng. Nơi chợ búa, ngoài đường phố, trong trường học, nơi công sở..Những tên tội phạm có thể là một người lịch sự, một nhà giáo, một công chức, nhà báo, diễn viên, bác sỹ, nông dân, nhà văn, đứa trẻ hay người già.
Một lũ ma quỷ mang mặt nạ người tử tế, nó hiện diện khắp nơi. Có thể người ngồi bên cạnh trong bàn tiệc, một người hàng xóm, một kẻ đồng hành. Không thiếu những kẻ rao giảng đạo đức, khuôn mặt phì nộn ma quỷ mang mặt nạ người. Những gã mặc áo cà sa ngồi bên bàn nhậu, nốc bia như người nông dân khát nước bên bờ đê. Bọn họ, những con ác quỷ sơn phết lên mặt mình khuôn mặt thiên thần.
Cướp giật, hiếp dâm, bạo lực, tham ô, cửa quyền và hàng trăm thứ tội ác khác góp phần phá nát đất nước đã quá lầm than này. Lắm kẻ tội phạm vẫn nhỡn nhơn sống. Chúng ta quá yếu ớt để tự bảo vệ mình.
Hôm nay, ngày mai hoặc một lúc nào đó chính mình là nạn nhân kế tiếp cũng không chừng.
Đôi khi bạn bày tỏ chuyện tử tế và lên án tội ác, bạn có thể đụng chạm với nhiều người. Có thể là với bạn bè đã từng thân thiết. Là người anh em trong họ tộc.
Lo lắng và sợ hãi, khiến chúng ta hư hao niềm tin vào mọi thứ chung quanh mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét