MỘT KỶ NIỆM VỚI THẦY TRẦN ĐẠI TĂNG
Trong ngôn ngữ Toán học của thầy Trần Đại Tăng không có ‘đúng hay sai‘ mà chỉ có ‘ĐÚNG VÀ NGUỘI ĐIỆN‘, làm sai là nguội điện, làm đúng mà chậm cũng nguội điện, để diễn tả một bài toán dễ thầy Tăng nói : ‘dễ như ăn ớt‘. Mời các bạn theo dõi một lớp Toán của Giáo Sư Trần Đại Tăng.
Năm lớp 11 tôi học lớp toán ban đêm với thầy Tăng tại trường Phan Thanh Giản, hôm đó thầy dạy giải các phương trình lượng giác :
Giải phương trình : sin 2x = sin x (x thuộc về tập hợp các số thực).
Thầy nói, ta sử dụng công thức nhân đôi, sin 2x = 2 sin x cos x, sau đó ta đem tất cả về 1 vế và đặt thành thừa số chung.
sin x (2 cos x – 1) = 0 . Do đó, ta phải giải 2 phương trình sinx = 0 và cos x = ½.
Thầy nói tiếp, thay vì đem tất cả về 1 vế và đặt thành thừa số chung, trò nào đơn giản 2 bên cho sin x thì kể như ‘NGUỘI ĐIỆN‘ vì trò đó đã bỏ qua phương trình sin x = 0, hệ quả là: “Thi hỏng tú tài, ta đợi ngày đi, đau lòng ta muốn khóc.”
Sau đó thầy nhìn cả lớp và thầy chỉ một trò trông có vẻ khờ khờ, dốt dốt (hình như trò đó là tôi, Nguyễn Hữu Hùng, học sinh lớp 11B2 PCT), thầy hỏi :
– Cậu hãy giải thích ‘Ý nghĩa Hình Học của các nghiệm số của phương trình nêu trên sin 2x = sin x.‘
Trò đó trả lời không được, thầy nói : KỂ NHƯ NGUỘI ĐIỆN.
Sau đó thầy chỉ một em gái hậu phương, không hiểu em nầy con cái nhà ai mà giỏi quá chừng, em trả lời :
– Thưa thầy, các nghiệm số của phương trình sin 2x = sin x chính là các tọa độ của các giao điểm giữa 2 đồ thị của hàm số y= sin 2x và hàm số y = sin x.
Thầy tuyên bố : Chính xác 100 %, dễ như ăn ớt và thầy lấy tay rờ cằm (thầy không có râu) và nở một nụ cười rất có duyên, lúc đó trông thầy đẹp trai hết sức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét