Để nhớ Cô giáo Đặng Thị Liệu ( 1933-2021)
Một buổi chiều cuối mùa đông, nhóm cựu học sinh Đà Nẵng tại Bắc Cali hẹn nhau cùng đi thăm Cô tại nghĩa trang Oak Hill, San Jose, California. Thời gian trôi qua thật nhanh . Thấm thoắt đã hai năm Cô rời xa chúng tôi. Trời ngây ngây lạnh, trong cơn gió nhè nhẹ và cái nắng vàng hiu hắt, chúng tôi đứng quây quần quanh ngôi mộ nằm chênh chếch lưng đồi. Nhớ Cô thật nhiều. Nhớ dáng người nhỏ nhắn, nụ cười ấm áp với khuôn mặt thật hiền.
Nhớ đến một cô giáo có trái tim vô cùng nhân hậu, một người thầy đáng kính, suốt một đời luôn quên hạnh phúc riêng mình, để sống cho những người bất hạnh, những đứa trẻ bụi đời,lang thang, những bé mồ côi và những người cơ nhỡ. Bạn bè cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời trung học và những ngày tháng trên quê hương thứ hai này. Cùng nhau tưởng nhớ về Cô giáo Đặng Thị Liệu kính yêu của học trò Phan Chău Trinh và Nữ Trung Học Hồng Đức.
Cô sinh ra trong một gia đình gia giáo người Huế. Cha mất sớm, 4 anh chị em quây quần bên mẹ. Từ nhỏ Cô nổi tiếng hiền hậu, thông minh và học giỏi. Trong khi những bạn bè đồng trang lứa vô tư vui đùa trong cái an bình cổ kính xứ Huế, Cô đã sớm có những ưu tư, đã sớm chọn cho mình một hướng đi vì tha nhân. Lớn lên ở miền Trung đất cày lên sỏi đá, Cô đã xót xa với biết bao mãnh đời nghèo khó chung quanh, những gia đình quanh năm vất vả, cơm không đủ ăn , chỉ khoai sắn trừ cơm, những đứa bé lam lũ chưa một lần cắp sách đến trường, lếch tha lếch thếch ngoài ruộng đồng.
Mỗi lần đi ngang qua bến đò Gia Hội, Cô lại thấy đắng lòng cho những cô gái lầm lỡ sa chân, nay đây mai đó trên sông nước ở làng vạn đò.
Những cơn mưa thúi đường thúi đất, những ngày khô cằn nắng gắt , những cơn lụt lội triền miên, càng kéo dài thêm nỗi cơ cực gian nan.
Từ những ngày còn rất nhỏ đó Cô đã nguyện trong lòng sẽ sống hết cuộc đời mình vì những con người bất hạnh quê nhà.
Tốt nghiệp trung học, khá tiếng Anh, Cô được học bổng đi du học Úc do Linh Mục Cao Văn Luận đỡ đầu. Một cơ hội không dễ gì có được. Nhưng rồi qua nhiều đêm trăn trở, không nỡ để mẹ một mình, càng không nỡ xa miền đất ngèo quê hương , Cô quyết định ở lại vào học Đại Học Sư Phạm Huế. Bạn bè cho đó là một quyết định dại dột, nhưng Cô chưa một lần hối tiếc. Cô là một trong những nữ sinh viên đầu tiên của ngành Sư Phạm Khoa Ngoại Ngữ.
Tốt nghiệp đại học, Cô được phân công vào dạy tại trường công lập duy nhất tại Đà Nẵng thời bấy giờ, trường trung học mang tên nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Lúc tôi vào năm Đệ thất, Cô đã đi dạy được sáu, bảy năm rồi. Thỉnh thoảng gặp Cô trong các buổi chào cờ, trong những buổi họp mặt toàn trường, những lần đi cắm trại, nhưng phải đến năm Đệ tứ, tôi mới được hoc Cô.
Cô dạy môn tiếng Anh và là giáo sư hướng dẫn lớp. Ấn tượng của chúng tôi ngày đầu tiên Cô lên bục giảng là dáng người nhỏ nhắn, nụ cười hiền hậu, giọng nói ấm áp, thân thiện.
Vẫn có cái uy nghiêm của một người thầy nhưng không cho chúng tôi cảm gíac sợ sệt như khi gặp các thầy cô giáo khác.
Lúc Cô phụ trách hướng dẫn lớp hay sau này làm Tổng Giám Thị Trường Nữ Trung Học Hồng Đức, học trò chúng tôi sợ Cô thì ít nhưng thương Cô thì nhiều. Học sinh thường nghịch phá nhưng trong các tiết học của Cô, chúng tôi học hành rất nghiêm túc. Không một học sinh nào ghét Cô. Cô ăn mặc thật giản dị, gần gũi.
Cô ở một mình trong căn nhà thuê, ngoài giờ dạy học chúng tôi ít khi gặp Cô ở trường.
Cô tất bật với các hoạt động thiện nguyện ngoài xã hội. Sau cái bề ngoài nhỏ nhắn tưởng chừng như yếu ớt đó là một con người hoạt động không mệt mỏi. Tuy là người theo Phật giáo nhưng Cô hợp tác chặt chẽ với các tổ chức nuôi trẻ không cha không mẹ của các Soeurs. Hồi đó những trại mồ côi thường do các nhà thờ Công Giáo xây dựng và điều hành. Với khả năng ngoại ngữ, Cô liên lạc được với các tổ chức thiện nguyện Hoa Kỳ để xin tài trợ. Cô đã hợp tác làm thông dịch cho tổ chức y tế tàu Helgoland , một bịnh viện nổi của Đức cập bến Đà Nẵng chuyên giúp chữa trị các nạn nhân chiến tranh và thương bịnh binh. Cô thành lập một tổ chức gồm các học sinh lớp lớn chuyên tìm kiếm , giúp đỡ các trẻ em bụi đời lang thang .
Trong khi những bạn bè, thầy Cô khác lần lượt lập gia đình yên bề gia thất. Cô cứ lặng lẽ kiên trì với những hoạt động vô vụ lợi của mình. Không phải không nguy hiểm với những lần theo các phái đoàn văn nghệ ra tiền đồn ủy lạo các chiến sĩ. Không ít những lần Cô một mình trong đêm tối đi tìm gặp những trẻ bụi đời, những đứa con lai. Hình như Cô chưa một lần nghĩ đến bản thân mình.
Cô vui khi tìm được nơi ăn chốn ở cho chúng. Cô hạnh phúc khi bắt gặp những nụ cười hồn nhiên của những đứa bé trong trại mồ côi. Cô sung sướng khi tìm được nguồn tài trợ từ bạn bè, từ các cơ quan đoàn thể. Cô luôn sống một mình nhưng chưa bao giờ cảm thấy cô đơn. Không có gia đình riêng nhưng Cô có những đứa con nuôi. Có đứa được Cô đem về ở chung một thời gian trước khi tìm được những gia đình mới. Nhiều đứa tìm được công ăn việc làm, nhiều đứa ra đời thành công.
Có đứa sau này gặp lại bên Mỹ, Cô đứng ra thay mặt gia đình dựng vợ gả chồng. Với Cô, đó là niềm vui ,là, là hạnh phúc.
Cô có liên hệ mật thiết với các tổ chức thiện nguyện, người ta hay thấy Cô hay đi lại với những người nước ngoài, chính vì vậy khi Đà Nẵng mất vào tay Cọng Sản, Cô bị nghi ngờ làm việc cho CIA của Mỹ.
Cô là một trong những thầy cô giáo bị cho nghỉ việc đợt đầu tiên.
Nhưng cũng thật may mắn, có thể vì không đủ chứng cớ hay trong những cán bộ Cọng Sản nằm vùng, có người từng quen biết, từng chịu ơn, nên Cô không bị bắt đi tù cải tạo.
Cô ở lại quê nhà một thời gian, và giống như bao người khác dính líu tới chế độ cũ, Cô đã làm đủ thứ nghề để tồn tại, để sinh sống. Buôn bán đồ cũ chợ trời, dạy thêm...Những ngày đó Cô thật vất vả nhưng không than van. Cô biết với ” vết đen” quá khứ, Cô khó có thể sống cho cái lý tưởng của mình tại một nơi đã không còn thuộc về mình . Cô kiên trì tìm đường ra đi. Sau nhiều lần thất bại, những lần lẫn trốn, những lần bị giam cầm...cuối cùng vào năm 1979, Cô vượt biên thành công đến trại tỵ nạn đảo Bidong, Malaysia.
Thời gian này trại do Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc điều hành, thường xuyên có nhiều phái đoàn từ Mỹ, Pháp, Canada, úc đến phỏng vấn sắp xếp định cư cho hàng chục ngàn thuyền nhân ở trên đảo. Cô làm thông dịch viên cho phái đoàn Mỹ và Úc.
Dù thời gian ở đây không dài nhưng Cô cũng đã giúp thông dịch, hướng dẫn các thủ tục, hoàn tất các hồ sơ xin đi định cư cho nhiều gia đình thuyền nhân.
Biết bao nhiêu câu chuyện, biết bao nhiêu cảnh đời, biết bao nhiêu hoàn cảnh số phận khác nhau ở nơi đây. Có nhiều gia đình bị kẹt lại đảo rất lâu vì vốn tiếng Anh ít ỏi, không thân nhân nước ngoài, điền đơn trật lên trật xuống.
Có những đứa trẻ mất cha mẹ không người bão lãnh. Có những người ở lại vì những lý do vô cùng đơn giản, nhiều nhất là trả lời sai câu hỏi lúc được phái đoàn phỏng vấn. Không phải không có những người thông dịch tay ngang, không lương tâm, thông dịch không đúng với nguyên văn của người được phỏng vấn. Có người bị phái đoàn từ chối vì bị nghi lời khai gian dối. Cô đã giúp chuyển nhiều đơn khiếu nại của thuyền nhân kẹt lại đảo do nhiều sai sót khác nhau đến được các phái đoàn. Nhờ vậy có nhiều gia đình được cứu xét ra đi đúng với trường hợp ưu tiên của mình.
Năm 1979, được thân nhân bão lãnh, Cô rời trại tỵ nạn qua San Jose định cư. Khoảng thời gian đó, khi những người nhập cư còn ít, nếu muốn, với khả năng ngoại ngữ của một giáo sư Anh văn , với sự trợ giúp của học trò và người thân qua trước, Cô rất dễ dàng tìm cho mình một công việc ổn định và nhàn hạ. Nhiều công việc tại các hãng xưởng, làm Social worker cho chính phủ hay đi dạy học tại các trường công lập. Những công việc nhẹ nhàng, ổn định và đầy đủ phúc lợi.
Nhưng Cô đã chọn cho mình một con đường đi khác, gập ghềnh và khó khăn hơn. Một con đường đúng theo lý tưởng của Cô.
Ngay từ những ngày đầu tiên, không xin trợ cấp của chính phủ, Cô vào làm việc cho IRC ( Internatioanal Rescue Comittee ), một tổ chức thiện nguyện vô vụ lợi, lúc bấy giờ vừa mới thành lập văn phòng tại San Jose. IRC chuyên giúp đỡ cho những thuyền nhân tị nạn mới đến Bắc Cali. Hướng dẫn làm các giấy tờ thẻ xanh, giới thiệu học Anh Văn cơ bản ESL, xin việc làm, thi quốc tịch, làm đơn bão lãnh cho thân nhân còn kẹt lại quê nhà. Nói chung là tất cả mọi việc nhằm giúp cho những người tỵ nạn sớm ổn định cuộc sống trên quê hương thứ hai này. Mới đầu Cô phụ trách hồ sơ ( Case Worker )sau đó Cô lên làm Giám đốc cho đến ngày về hưu. Suốt một thời gian dài, Cô làm việc không mệt mỏi, bất kể ngày đêm. Cô tham gia hội đồng quản trị VIVO ( Vietnammese Voluntary Foundation ), cũng là một tổ chức thiện nguyện chuyên về đào tạo tiếng Anh, tay nghề và tìm kiếm giới thiệu việc làm cho những người tỵ nạn mới đến vùng đất này.
Nhỏ người, nhưng sức làm việc của Cô thật đáng nể. Với chiếc xe cũ do một người bà con tặng. Cô rong ruổi khắp miền Bắc Cali.
Có người mới qua chưa có xe, cô kiêm luôn tài xế. Mỗi người, mỗi gia đình mới đến là một mãnh đời, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều lạc lõng và bỡ ngỡ như nhau. Cô như một gạch nối làm con thoi đưa những người mới đến sớm hội nhập và xứ sở tự do nhưng vô cùng xa lạ này. Cô đã chèo không biết bao nhiêu chuyến đò đưa người cập bến bình yên. Biết bao gia đình nhờ Cô mà ổn định, có nhà có cửa, có công ăn việc làm. Riêng Cô vẫn bao năm vẫn một mình trong căn nhà nhỏ đường số 4 gần Downtown San Jose.
Rất nhiều gia đình, nhiều học trò cũ từng chịu ơn muốn mời về ở, nhưng Cô đều từ chối. Cô bảo sống một mình tự do quen rồi. Cô cười. Cô nhiều tính xấu, ở chung chắc không ai chịu nổi đâu. Cô nói vậy thôi chứ Cô mà xấu nết thì trên đời còn ai tốt đây, thưa Cô ? Đôi khi, trong cái lành lạnh của những cơn mưa nửa đêm, dù chỉ thoáng qua. Có lẽ Cô cũng có chút chạnh lòng về nỗi quạnh hiu của đời mình ?
Giữa năm 1988, trong một cbhuyến đi trở về thăm lại đảo Bidong và các trại tỵ nạn khác quanh vùng Đông Nam Á ( HongKong, Thai Lan, Indonesia, Singapore, Philippines...) Cô đã vô cùng xúc động khi nghe thấy và chứng kiến bao cảnh đời bi thảm của những chuyến vượt biên. Biết bao trẻ mất cha mất mẹ trên đường đi tìm kiếm tự do. Cô cùng một vài người cùng chí hướng trong đó có bác Nguyễn Đình Hữu, cựu đại tá quân lực việt Nam Cọng Hoà, thành lập Hội thiện nguyện ARCWP ( Aid To Refugee Children Without Parents ) với sự giúp đỡ của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc .
Đến năm 1994 để nới rộng phạm vi hoạt động. ARCWP đổi thành ACWP ( Aid To Children Without Parents ) chuyên giúp đỡ trẻ em không nhà, không còn cha mẹ không những chỉ do tỵ nạn mà còn nhiều lý do khác. Không những giúp cô nhi tại Mỹ, cùng với ACWP cánh tay nhân ái của Cô còn vươn về Việt Nam, về miền đất nghèo miền Trung. Xây trường học cho các trẻ mồ côi. Cấp học bổng cho các học sing nghèo hiếu học. Thành lập các trạm y tế chuyên chăm sóc cho trẻ em.
Năm 2000, sau khi miền Trung Việt Nam phải chịu một thiên tai thiệt haị nhất thế kỷ, Cô và bác Hữu cùng bạn bè sáng lập “ Friends of Huế Foundation “.
Một tổ chức thiện nguyện nhằm cứu trợ nạn nhân thên tai tại Thừa Thiên, Huế và các vùng lân cận. Hội thực hiện các các chương trình cứu trợ khẩn cấp, xây dựng các nhà chăm sóc trẻ mồ côi do thiên tai, giúp cho vay không tiền lời các hộ dân nghèo thiếu vốn nhằm gây dựng lại cuộc sống, tổ chức các đội y tế lưu động...
Với sự trợ giúp của bạn bè, của những học trò còn ở lại quê hương, Cô miệt mài bay đi bay về gần nửa vòng trái đất cho những công việc nhân đạo. Đã có biết bao con người, biết bao gia đình đứng lên được từ những đổ nát tan hoang, đã tồn tại và thành công.
Công việc Cô làm thì nhiều lắm. Sự cống hiến của Cô cho cuộc đời, cho những người cùng khổ trên quê hương thứ hai, trên quê nhà xa xôi nhiều không kể hết. Chỉ có thể nói, trong suốt 87 năm, là một người bình thường nhưng Cô đã làm được những chuyện phi thường. Cô đã sống, làm việc đúng như lời Bác Nguyễn Đình Hữu , từng dặn dò :
“ Nếu muốn sung sướng một giờ, bạn hãy ngủ một giấc thật say. Muốn một ngày hạnh phúc,hãy xách cần đi câu cá, Muốn hạnh phúc một tháng, hãy đi lấy vợ, lấy chồng. Muốn hạnh phúc một năm, hãy đi làm kiếm tiền. Nhưng nếu muốn một đời hạnh phúc, hãy đi giúp đỡ người khác, nhất là những trẻ em bất hạnh, không mẹ, không cha “.
Tôi có nhiều kỷ niệm với Cô thời đi học và cả trong những năm tháng định cư ở Bắc Cali. Năm 2000 sau khi chuyển từ Tulsa OK về San Jose, tôi cùng với một người bạn cùng lớp và từng được Cô cho ở chung nhà lúc mới chân ướt chân ráo qua Cali, đến thăm Cô.
Dù đã hơn ba mươi năm thầy trò mới gặp lạ, tôi vẫn nhận ra ngay người thầy ngày xưa. Cô không thay đổi nhiều. Vẫn với khuôn mặt thuở đó, vẫn dáng dấp đó, theo năm tháng có gầy hơn xưa nhưng vẫn bình dị ấm áp như ngày nào. Tôi ôm chầm lấy Cô, không muốn khóc nhưng nước mắt cứ chảy dài.
Tôi nói , Cô nhớ em là ai không ? Vẫn với nụ cười hiền hậu Cô bảo, Xuân Mỹ tứ 4 mà ai không nhớ.
Xúc động và vui quá vì qua bao năm tháng thăng trầm Cô vẫn còn khỏe mạnh. Trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Vẫn còn nhớ đứa học trò nhỏ ngày xưa. Cô còn nhớ cả năm học của tôi, nhớ cái dãy bàn hàng đầu tôi ngồi. Nhớ cả lời phê “ Giỏi , ngoan, hiền “ trong học bạ của tôi. Hôm đó suốt một buổi sáng chúng tôi ngồi ôn lại chuyện cũ, trường xưa. Cô hỏi về những năm tháng ở quê nhà sau ngày mất nước.
Tôi kể Cô nghe về những lần gặp mặt tình cờ các Thầy Cô giáo cũ. Thầy Nhuận bán trà đá ở bến xe đò Long Khánh, Thầy Bình bán thuốc tây chợ trời Tân Định, Thầy Bích chụp hình dạo Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Thầy Lan thổi kèn trong ban nhạc đám ma...Nhiều cảnh đời của những người thân quen mà vì đi sớm Cô chưa biết. Khi nhắc đến chuyện Ba tôi chết trong trại cải tạo, Cô rơm rớm nước mắt.
“ Tội nghiệp ông cụ. Ông cụ làm Cảnh Sát nhưng thật hiền lành. Âu cũng là vận số của gia đình và đất nước. Cô tin là ông cụ sẽ luôn dõi theo và phù hộ cho gia đình con “
Những chuyện như thế cứ kéo dài không dứt. Trước khi ra về Cô bảo, nếu con cần gì thì cứ liên lạc với Cô.
Kể từ đó thỉnh thoảng chúng tôi ghé thăm Cô. Và mỗi khi chúng tôi tổ chức họp mặt lớp hay trường đều mời Cô tham gia. Chúng tôi thay phiên nhau đến nhà chở Cô đi và về. Những lần gặp lại học trò cũ Cô vui lắm . Lớn tuổi nhưng chưa một lần Cô đòi về sớm.
Cô luôn là người đến đầu tiên và ra về sau cùng, mặc dù mỗi một lần họp mặt chúng tôi thường ở lại chuyện trò ca hát rất khuya. Tuy nhỏ người nhưng trời cho Cô một sức khoẻ thật tốt. Cô bảo từ ngày qua Mỹ đến giờ Cô chưa vào nhà thương ngày nào. Cô cười, vào thăm bạn ở bịnh viện thì có.
Cô nhớ vanh vách những chuyện ở Đà Nẵng thời trước 1975. Cô nhớ từng khuôn mặt và tính nết của những đứa học trò cũ.
Thật cảm động khi Cô nhắc đến thời gian phụ trách lớp chúng tôi.
Cái lớp Đệ Tứ 4 thời còn trai gái học chung. Cô nói, lớp các em hiền nhất trường. Nam sinh ít phá phách nhất, nữ sinh thì nhiều em đẹp nhất. Chắc nhờ học chung, Cô hỏi vui, trong lớp có em nào nên vợ nên chồng với nhau không ?
Cô ơi, thời đó mấy đứa con gái cùng lớp coi tụi em như con nít, toàn nhìn lên mấy anh đẹp trai lớp trên, cho đi theo lén là may mắn rồi, dễ gì tán tỉnh được.
Không những sinh hoạt lớp chúng tôi mà cả các buổi họp mặt học sinh Phan Châu Trinh hay Nữ Trung Học Hồng Đức toàn thế giới, Cô chưa một lần vắng mặt. Nơi nào có tỗ chức Nam Bắc Cali hay Houston Texas xa xôi đều có sự hiện diện của Cô. Cái hình ảnh cô giáo nhỏ nhắn ngồi lọt thỏm trong dãy ghế dành riêng cho các cựu giáo sư luôn mãi nhớ trong lòng những đứa học trò chúng tôi . Nếu phải tìm một người chỉ được thương không kẻ ghét trên quê nhà và trên xứ Mỹ này, có lẽ Cô là một. Cô giáo Đặng Thị Liệu của tôi.
Từ ngày có đại dịch Covid, cuộc sống mọi gia đình đều đảo lộn. Mỗi người có những nỗi lo lắng, vất vả riêng.
Thỉnh thoảng tôi gọi điện thoại hỏi thăm nhưng chưa một lần đến thăm Cô.
Mấy lần hẹn với Vĩnh Cường, một người em họ của Cô, bạn cùng lớp để đến thăm Cô. Đâu có bao xa, chỉ 20 phút lái xe mà cứ hẹn lần hẹn lữa.
Lúc thì hắn bận đi bác sĩ check up, lúc đưa vợ đi xạ trị, lúc thì tôi bận chở cháu ngoại đi học,chở mẹ đi nhà thương, cứ thế rồi qua đi
Có thể vì cuộc sống nhưng có thể vì vô tình và vô ơn, ta đã quên đi những người thân yêu chung quanh ta. Có những lời hứa tưởng chừng như vô cùng dễ dàng nhưng mãi không bao giờ thực hiện.
Ngày 21/1/2021 Cô té tại nhà riêng được đưa vào nhà thương. Tuổi già sức yếu, bác sĩ không cho ở nhà một mình, sau cấp cứu. Cô được đưa thẳng vào nursing home. Đang muà Covid trở nặng, dù có nóng ruột chúng tôi cũng không thể vào thăm Cô. Chúng tôi chỉ theo dõi tình trạng sức khỏe của Cô qua trung gian của người cháu.
Những ngày ở nursing home, vẫn nói chuyện được, sức khỏe dần phục hồi, nhưng Cô không thiết ăn uống. Có lẽ để khỏi làm phiền con cháu, Cô đã quyết tâm từ bỏ.
Chỉ một tuần sau, đêm 30/1/2021,không vật vã đau đớn, Cô nhẹ nhàng ra đi.Thế là chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại Cô nữa rồi. Có nuối tiếc, có ân hận, cũng đã rất muộn màng.
Cô ơi, Cô đã trả xong nợ cho cuộc đời và đã thanh thản ra đi. Không chỉ học trò chúng em mà còn bao nhiêu người còn ở lại sẽ mãi nhớ đến Cô. Nhớ nụ cười hiền lành, tấm lòng nhân hậu và trái tim ấm áp của Cô. Chắc chắn một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp nhau trên Thiên Đàng.
Sẽ có trường học, sẽ có lớp học và sẽ có Cô, mãi mãi vẫn là cô giáo của chúng em.
Cô mất đi nhưng công việc và ý nguyện của Cô vẫn được những người bạn, những người học trò còn ở lại thực hiện.
Quỹ học bổng mang tên Cô vẫn được duy trì. Vẫn tiếp tục tìm kiếm, giúp đỡ các em nhỏ hiếu học có hoàn cảnh khó khăn. Kỷ niệm 100 ngày mất của Cô, ACWP đã chuyển đi hàng trăm phần ăn cho những người không nhà....
Cô vẫn mãi sống trong lòng mọi người và trong tim chúng em.
San Jose, tháng 3 năm 2023
Lê Xuân Mỹ
( “ Đặc san Bạn Cũ trường Xưa “ Đại hội PCT Toàn Thế Giới Kỳ V, California 9 tháng 7 năm 2023 / đăng trên trang web : phanchautrinhdanang.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét