Nắng Sân Trường
Phan Mộng Hoàn
Nhớ Về Trường Cũ Phan Châu Trinh Đà Nẵng
(Cô Phan Mộng Hoàn - Tác giả bài viết này đã từ trần vào ngày 19 Tháng 8 năm 2020 tại San Jose, Hoa Kỳ . Hưởng thọ 78 tuổi)
Sáng hôm nay trời xám nhạt buồn buồn. Đang là mùa xuân, cỏ xanh tràn lan và vườn sau rực rỡ sắc hoa vàng. Buổi trưa tôi thích lang thang ra vườn vui với thiên nhiên . Những bụi cỏ dại mọc vút cao nơi góc xa chỗ hàng rào nghiêng về phía nhà mình, thế nào cũng phải loại bỏ chúng cho sạch. Cây bưởi thấp lè tè trước căn nhà kho, quanh năm trĩu nặng những trái tròn vàng ửng. Hoa bưởi tinh hương ngào ngạt khiến mình ngây ngất dù đang đứng ở góc vườn nào. Những bông “hoàng ly” , tôi đặt tên cho hoa poppy màu vàng tươi có cánh nở ra ôm lấy nhau kết thành dáng chiếc Champagne trông thật kiêu sa. Hoa ly vàng lộng lẫy, không thơm mà tưởng làm mình đắm đuối. Nhưng đó là những hương hoa bưởi. May thế nên mình cặm cụi bên cạnh để lượm cho hết cỏ dại vẫn không bị dị ứng. Qua đây đến năm thứ 12 tôi bắt đẩu khổ sở vì dị ứng hoa thơm. Đất trời xinh đẹp thế kia mà mình phải trang bị cẩn thận như một người lính đi hành quân. Nón lá, kính râm, găng tay, giày vải. Bởi bì nếu sơ hở một chút là chị cũng sụt sùi khóc. Xứ sở thặng dư đủ mọi góc độ của đời sống hàng ngày. Phù du và quá tải là điều quen thấy ở quê hương mới nầy.
Hè năm trước, khi tham dự buổi họp mặt Liên trường Đà Nẵng do Hội Quảng Đà Dallas tổ chức tại nam Cali, tôi đã vui ơi là vui. Tôi đã gặp bao nhiêu là bạn bè và học trò thương mến ngày xưa, trước 75, đã vì quốc biến mà xẻ đàn tan nghé đớn đau!
Cách đây 12 năm, gia đình chúng tôi đoàn tụ sau 11 năm chia cách . Hè thứ nhất tôi được về chơi nam Cali, thủ đô của người Việt tị nạn. Chúng tôi ghé thăm anh Trần Đình Quân. Trước 1975, nhóm giáo sư Quốc văn thân thiết của chúng tôi, gồm các anh Dương Ngọc Tạo, Trần Thông, , Nguyễn Đình Trọng, Trần Đình Quân, Nguyễn Thị Anh, An Hà Châu, Nguyễn Ngọc Định... Ngoài ra các bạn đồng nghiệp trẻ mới về trường Phan Châu Trinh như Trần Sáng, Vĩnh Quyền.
Chúng tôi vẫn quen sinh hoạt náo nhiệt trong bộ môn mình cho trường mỗi khi có lễ hội. Trong nhóm, anh lãnh diện nhân là tài hoa hơn ai hết. Tôi quen kêu Giáo sư Trần Đình Quân, Quản thủ Thư viện trưởng Phan Châu Trinh tên đó. Lý do chàng ta đang vui vẻ nói cười với mình nhưng trong chớp mắt đã biến ra bộ mặt lạnh lẻo khó đăm đăm , ngó bắt ớn! Tôi ưa trêu anh.
Những lần toàn ban giáo sư họp bẩu đầu năm học, một lô tên các vị được ghi lên bảng để mọi người tuyển chọn. Đến mục bầu trưởng ban Văn nghệ, các tên Thanh, tên Quân liên tiếp nghe xướng lên dồn dập và vẽ thành nhiều ô chữ nhật có gạch tréo bên trong. Khi có ai đó đọc to, Quân ra Quần, cả phòng họp ré lên cười. Trần Đình Quân liền quay ngoắt lại trừng mắt nhìn thẳng vào Phan Mộng Hoàn. Đúng như rứa ! Hồi nảy tôi đã giúp chị Nguyễn Khoa Diệu Trà ghi tên Quân có dấu huyền vào mẩu giấy nhỏ, xếp tư lại cẩn thận để bỏ vào chiếc nón ngửa ra đang dạo quanh một vòng xin phiếu. Ai biểu Trần Đình Quân cũng hay chọc quê tôi làm chi!
Buổi chiều tôi có giờ dạy các lóp 8, dạy phòng tầng dưới , bên tay trái kể theo khi mình đứng quay mặt ra phía đường Lê Lợi. Trần Đình Quân lửng thửng ngang qua,anh đang xuống Thư viện trường . Học sinh của tôi chăm chỉ ghi lại bài văn tôi mới vừa bình giảng cho các em. Tôi quen tập cho họ tự ghi lấy bài mà không đọc cho chép. Như thế học sinh sẽ tập trung tư tưởng nghe mình giảng, vì sau đó họ con phải chịu khó viết thành văn bài giảng của giáo sư. Tất nhiên khỏi có ai mơ mộng nhìn ra ngoài cửa lớp. Vậy mà lãnh diện nhân dám đùa Phan Mộng Hoàn, khi anh ghé vào lớp tôi thì thầm nói, mặt vẫn lạnh lùng miệng cười gằn nét mỏng: “Này cô giáo, ai cho phép mơ mộng. Tay chống cằm, tay đan vào tóc. Tôi là học trò tôi sẽ lười biếng, bỏ bút , ngắm cô giáo thích hơn!” Phan Mộng Hoàn tức lắm, chưa kịp phản pháo, anh đã rời khỏi lớp mình, gật gù khoái chí lãng đi xa.
Trần Đình Quân con là nhạc sĩ Du Ca. Trường Phan Châu Trinh có chị Đặng Thị Liệu, có anh Nguyễn Ngọc Thanh, Đỗ Viết Lê , Tôn Thất Lan... cùng một số học sinh nhà trường và trường Nữ Hồng Đức lập thành đoàn Du ca Áo Nâu hát rong và chuyên sinh hoạt xã hội trong thành phố. Dạo đó tôi ít tham gia các tổ chức nầy, vì ở nhà tôi đã có một bầy nhóc phải la hét mệt nghỉ rồi nên đâu còn hơi để hát hò lang thang như các bạn đồng nghiệp tràn đầy nghệ sĩ tính ấy. Bây giờ, vào năm 1991, khi chúng tôi tới nhà anh, đã thấy Trần Đình Quân nghiêm trang, áo quần tề chỉnh ngồi đợi từ hai giờ qua. Hương, vợ anh nói thế. Chị Quân cũng là học trò anh và ở trong nhóm Du ca.
Trẩn Đình Quân tặng tôi Vườn Dâu Xanh tập nhạc mới in khi sang đây . Chúng tôi thì nhau nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm về trường cũ. Tôi bùi ngùi nhớ những ngày xưa thân ái, càng xót xa thương người bạn tài hoa này, đang mỗi ngày qua đi mỗi chìm vào vũng trống không hư!
Khi các Mẹ Mốc chúng tôi còn ở Việt Nam, tôi vẫn hay gặp Hương mỗi lần vào dịp Tết chúng tôi tụ lại nhà Thu Hoài, vợ anh Trương Văn Hậu, giáo sư trường Phân Châu Trinh.
Bạn bè toàn một lũ không chồng bất đắc dĩ. Các đức phu quân từ lâu đã khôn hồn co giò xa chạy cao bay khỏi nước cho an toàn thân phận, đề lại một bầy Mẹ Mốc bầm dập vì ông “me đồng lô” (nhà nước). Mọi người phải làm thế vì dù sao bọn phụ nữ chúng tôi vẫn dễ xoay xở hơn cụ ông. Chúng tôi sẵn sàng ứng phó với sự xăm soi theo dõi rình rập hòng kiếm tí quà Mỹ của các vị đầy tớ nhân dân ấy! Hương trẻ măng, có với Quân hai đứa con. Cả ba về sau nầy , khi chồng và cha họ gần như mất hết trí nhớ, vẫn gần kề thường yêu anh chăm sóc hết lòng. Chị Đặng Thị Liệu là nguôi bạn hằng năm quen lui tới thăm mấy mẹ con Hương, xót xa thấy nhạc sĩ Du ca nay là tượng đá vô tri, tồn tại như cái bóng trong nhà. Tôi không đủ can đảm để chứng kiến nỗi buồn nầy!
Anh Nguyễn Ngọc Định, đã qua đời năm 1988, phu nhân của chị Tôn Nữ Nộn Ngôn, họ đều là giáo sư Quốc văn của trường Phan Châu Trinh ; cả hai hiền như bụt. Anh chị Định - Ngôn sinh được một đứa con trai duy nhất, tên gọi ở nhà là Mật Ong. Anh Định là em ruột của bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyền. Anh Quyền ân nhân của gia đình tôi. . Anh là vị lương y thứ thiệt, đã cứu con gái cưng Ngân Hà của chúng tôi thoát chết mùa sốt xuất huyết kinh hoàng năm nào.
Anh Dương Ngọc Tạo, có giọng nói trầm dõng dạt như kiểu một lãnh tụ . Từ 27 năm nay tôi không được gặp lại anh. Nghe đâu bạn ấy đang cư trú tại miền Nam Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Anh, khi nào cũng dịu dàng, thướt tha, thờ chủ nghĩa độc thân suốt đời. Nghe nói chị Anh đang sống ở Sài Gòn.
Anh Trần Thông, tóc xám bạc ngay trước năm 1975. Người bạn nầy có nụ cười ngây thơ. Vì anh độc thân , lại hiền nữa nên tôi thường tìm cách làm Nguyệt Lão, để xe tơ
kết tóc cho anh với bạn bè dễ thương của mình. Nhưng Trẩn Thông cương quyết lắc đầu. Ba lần về thăm Đà Nẵng , cả ba lần không sao tìm gặp lại anh. Nghe học trò kể thầy Thông sống ẩn dật, tránh né mọi tiếp xúc. Tôi muốn thăm anh để dòm cho được mối tình cuối của Trần Thông coi thử “ra reng”. Dù anh chưa có tình đầu tôi vẫn gọi anh là tình cuối. Nghe đâu anh đang lắc léo tơ duyên đến không ngờ. Tôi hẹn thầm, nếu còn về Đà Nẵng Trần Thông đừng hòng thoát khỏi mắt cú vọ của Phan Mộng Hoàn!
Mấy ông đồng nghiệp Quốc văn nầy thường lợi dụng Phan Mộng Hoàn để khởi xướng một công tác đặc biệt mỗi khi có sinh hoạt gì liên quan đến bộ môn Việt văn. Sở dĩ thế là vì tôi phần nào chiếm đuợc tình cảm của học trò trong trường. Từ Niên khoá 67-68 trường Phan Châu Trinh xẻ đàn , nữ sinh từ lớp 10 trở xuống chuyền qua trường Nữ Trung Học, về sau lấy tên là Nữ Trung Học Hồng Đức. Đa số các cô giáo Phan Châu Trinh theo học trò con gái qua bên đó.
Đúng lúc nầy thi tôi xuất hiện. Tốt nghiệp xong Cử nhân Việt Hán của Đại Học Văn khoa Huế, nên tôi có thể tự tin mình đủ sức đứng trên bục giảng cho nghề gõ đầu trẻ một trường nam sinh lớn nhất thành phố Đà Nẵng còn là trường lớn nhất tỉnh Quảng Nam.
Bạn bè tốt nghiệp từ Đại học Huế bổ về Phan Châu Trinh tôi đã gặp lại như như các bạn cùng lớp ở Văn khoa, có anh Trần Gia Phụng (bên Sử Địa) , anh Tạ Quốc Bảo và Lê Kim Hải (bên Anh văn) và em gái Kim Hải là Lê Kim Cương (Vạn vật).
Muốn về dạy trường Phan Châu Trinh lúc chập chững ra trường không phải dễ. Nhưng tôi là đứa may mắn. Khi đang học năm cuối Văn Khoa tôi đã được tuyển dạy giờ ở Đồng Khánh. Má Mộng của tôi là bạn thân thầy Đinh Qui, hồi đó đang làm Giám Đốc Nha Học Chính tại Sài Gòn. Nhờ thế, tôi mới oai vang lỗ bộ làm cô giáo ở ngôi trường Nữ danh tiếng
của cố đô. Rời Huế vào quê chồng. Nhà tôi tuy gốc tận xứ Cá Gộ Nghệ An, nhưng sau khi vượt tuyến vào tìm tự do ở miền Nam, anh là rể Huế; Cha Luận đỡ đầu cho chàng sinh viên họ Hồ đồng hương, được học hành tới nơi tới chốn. Sau đó anh ấy tìm vô xứ Quảng. Và Đà Nẵng trở thành quê hương thứ hai của anh, tất nhiên là của Phan Mộng Hoàn nầy nữa.
Khi nói mình may mắn về trường Phan Châu Trinh, là nói thật thà. Tôi làm sao quên được hôm mình thập thò đứng trước cổng trường, với lá đơn xin dạy giờ trong tay. Tôi đã choáng ngợp trước hình ảnh hàng hàng lớp lớp những người trẻ đồng phục tinh khôi một màu trắng. Họ đang nghiêm trang làm lễ Chào Quốc Kỳ vào ngày thứ Hai đầu tuần. Trên vòm hành lang chính, các vị giáo sư đứng quay mặt trở ra và hướng về cột cờ giữa sân trường, nơi đặt bức tượng đồng bán thân của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới dần lên cao và tung bay trong gió sao khiến lòng mình rưng rưng một niềm xúc động đến thế.
Khi sân trường đã yên lắng, tôi rụt rè tìm đến văn phòng Hiệu trưởng. Còn nỗi vui nào lớn hơn khi tôi thấy hiện ra trước mắt mình hình ảnh thân quen của vị giáo sư Toán của khi tôi con là học trò Đồng Khánh. Ông Hiệu trưởng oai vệ đang ngồi sau bàn giấy khổng lồ, cũng chính là thầy Thái Doãn Ngà. Thầy Ngà dạy Toán riêng cho mỗi lớp tôi ở Đồng Khánh hai năm liền IIA rồi IIA1 ( khi tôi rớt Tú Tài bán, ngồi đúp lớp, 2A đổi thành 2A1, vì Đồng Khánh thêm một lớp Đệ Nhị Vạn Vật.
Thầy Ngà nhận ra ngay cô học trò 2A năm xưa. Thầy vui vẻ đồng ý cho tôi vào dạy ở trường Phan Châu Trinh. Thầy không nhìn vào tấm bằng của tôi lúc nào. Thầy nói từ lâu đã tin vào khả năng của Phan Mộng Hoàn về hoạt động Hiệu đoàn. Thầy con nhắc lại thành tích tôi đã liên tiếp được Hội Đồng Giáo Sư trường Đồng Khánh khen thưởng nhiều năm về các môn Quốc văn và Sử địa, là các môn cần cho sự ứng xử khi vào đời. Tuy nhiên thầy thêm, vì Phan Mộng Hoàn đến xin giờ dạy khi trường đã khai giảng gần cả tháng nay. Cho nên có thể không đủ môn chính cho chị. Đúng như thầy dự đoán, anh Huỳnh Mai Trác, là Giám học đã xếp cho tôi 8 giờ Công dân ở 4 lớp đệ tứ , và 12 giờ Sử Địa của 6 lớp đệ thất, nghĩa là vừa sát tiêu chuẩn cho tôi có điều kiện sẽ được bổ làm giáo sư chính ngạch của trường. Không có một giờ Quốc văn nào cho tôi, mà Quốc văn là môn ruột tôi đã được đào luyện kỹ càng ở bậc đại học . Vì thế, giai đoạn đầu về với trường Phan Châu Trinh, tôi đã được thử lửa bởi chính đám học trò xứ Quảng.
Như mình ngày xưa hay coi thường các môn phụ, ngày nay bọn học trò con trai đã tha hồ tìm mọi cách để quậy phá cô giáo trẻ là tôi. Đúng là quả báo! Vì học trò con trai hoang khủng khiếp. Nếu đem so sánh trình độ của bọn tôi ở trường Đồng Khánh, mình chỉ đáng tỉ lệ 1/10 với đám học sinh trường nầy. Nếu không có thầy Hiệu trưởng luôn kịp thời xuất hiện, chắc chắn tôi đã chào thua và xin rút lui có trật tự.
Tôi không làm sao quên được chuyện ở một lớp đệ tứ. Lúc đó vào thời gian tôi mới về trường. Tôi gần phát khóc vì một tên học sinh, hễ cứ đến giờ tôi là chi cũng thấy hắn lơn xơn gần cô giáo . Tôi còn lại nghe tiếng vài đứa khác đọc to tên minh với tên thằng bé. Tụi nó có ý cặp đôi tôi một cách sống sượng. Nhiều lần như thế , tôi cố ý giả điếc làm lơ, nhưng rồi tôi không còn chịu đựng thêm nữa thái độ xúc phạm táo tợn của lũ học trò quá quắt. Tôi đành chạy tới kêu cứu thầy tôi tức ông Hiệu trưởng oai nghiêm.
Bữa đó văn phòng Hiệu trưởng đang bận rộn tiếp khách nhưng khi thấy tôi hiện ra mặt mày xanh lét, thầy Ngà rời ngay phòng và theo chân tôi lên lớp. Thầy hỏi thăm nguyên nhân. Thầy kịp vớ theo cây roi mây dài cả cây số, nhanh nhẹn vượt lên trước Phan Mộng Hoàn. Đã quá nhiều lần thầy nghe qua ban giám thị báo cáo cô giáo mới Phan Mộng Hoàn thường bi học sinh quậy. Thầy vẫn để yên vì đương sự chưa trực tiếp S.O.S đến thầy . Sau trận mưa roi mây, chú chàng học sinh muốn chơi ngông ấy con bị phạt quỳ cả buổi tại phòng ông Hiệu trưởng.
Thời gian tôi mới về trường Phan Châu Trinh, bất cứ giờ nào, ở các lớp, khi tôi đang dạy, thì in như ngoài hành lang các vị giám thị, hay thầy giám học thay nhau siêng năng lui tới nghiêm nhặt để canh phòng giám sát. Tôi buồn trong bụng và giận lắm. Về sau tôi đã đề nghị, nếu học sinh không nghiêm trang học hành trong giờ của tôi, cứ ồn ào náo nhiệt như lâu nay khiến cho ban giám thị và ban giám học nhọc công làm cảnh sát, tôi sẽ xin từ chức. Nghe cô giáo nghiêm túc đề nghị, học sinh sau đó đã hợp tác với tôi. Họ đã bảo nhau êm thấm học hành. Từ đó tôi yên thân dạy dỗ, học sinh dần trở vào khuôn nếp. Tám năm ở trường Phan Châu Trinh là tám năm đầy ắp kỷ niệm vui nhiều hơn buồn của đời làm cô giáo của mình.
Đoạn trên tôi có nhắc đến các đồng nghiệp dạy Quốc văn, nhưng tôi chưa kể đến anh Nguyễn Đình Trọng. Tôi nghe nói anh ấy tốt nghiệp thủ khoa khoá của anh, nên được bổ nhiệm về trường Phan Châu Trinh. Anh Trọng người thấp, nhỏ. Ngày khi mới gặp tôi đã phát hiện anh là một thi nhân. Trong cách anh đi, tôi thấy có một vẻ mơ màng, hai chân chữ bát như chếnh choáng , đầu tròn, tóc không nhiều, khi cúi xuống, khi ngẫng lên và miệng thoáng mĩm cười bâng quơ. Tôi nghĩ có lẽ bạn ấy đang tìm vần thơ . Quả đúng như thế. Nguyễn Đình Trọng là thi sĩ Đông Trình. Viết ngang đây tôi chợt liên tưởng đến một người thấp nhỏ khác, anh Trần Đại Tăng, không là dân Văn khoa, mà dạy toán và mở cua hái ra bạc, anh là thi sĩ Trần Hoan Trinh.
Học trò trường Phan Châu Trinh sức học suýt soát nhau, hơn kém nhau đôi khi chỉ từng 1/4 điểm . Em đứng nhất hơn em cuối sổ chênh lệch không bao nhiêu, nên bạn bè trong lớp vì thế ít xảy ra mặc cảm hay ghen tị nhau quá đáng. Bởi vì muốn vào học trường công lập Phan Châu Trinh thí sinh dự tuyển phải đấu nhau sát rạt. Cho nên dạy trường Phan Châu Trinh thật thoải mái, bài chỉ giảng qua một lượt là học sinh đã hiểu ngay. Giảng xong tôi không đọc cho chép mà tự mỗi người phải ghi lại thành bài trong vở giảng văn của họ. Tôi sẽ chấm lại và cho điểm những bài ghi lời mình giảng đó của học trò. Muốn thực hành lối dạy cao cấp kiểu Văn khoa nầy tôi phải có trong tay học sinh thật giỏi. Và trường Phan Châu Trinh là nơi hội đủ điều kiện để tôi áp dụng cách giảng dạy nầy . Khi đã luyện cho học sinh quen viết lách như thế, tôi thừa thắng xông lên ra lệnh cho các em làm bích báo. Thế là mỗi lớp hàng tháng tôi đã có 4 tờ của 4 đội thi đua nhau trình bày đẹp, học sinh toàn lớp đều phải viết văn làm thơ choang choang. Sau một năm học, mình có bao nhiêu bài vở hay, tha hồ chọn để phát hành giai phẩm riêng cho lớp. Báo được in bằng ronéo do tự tay học sinh trình bày, biên tập và ấn loát. Tôi có cái may là nhà ở trong trường Kỹ Thuật, phu quân tôi là người đứng đầu trường nầy, trong nhà có máy in riêng. Thế là học sinh trường Phan Châu Trinh được cấp giấy phép đến đây làm báo. Các cậu bé 3/4 là dân Quảng có máu luật sư ưa tranh cãi bất cứ lúc nào với bất cứ nguyên cớ gì. Bầy con tôi lăng xăng chạy theo chơi với các anh học trò của mẹ. Lúc nào nhà của Phan Mộng Hoàn cũng ồn ào náo nhiệt, vui như Tết. Làm báo còn đi liền đá banh. Quanh nhà tôi mênh Mông bãi cỏ xanh mướt nên các chú học sinh trường Phan Châu Trinh nhiều khi ham rượt bóng ngoài sân cỏ quên mất việc đến nhà cô là để làm báo…
Hôm kia, từ Houston, Nguyễn Đỗ Thu gọi qua thăm hỏi. Thu về trường Phan Châu Trinh cũng lần với Thu Sương và Nguyễn Ngọc Cam. Mấy cô giáo nầy trẻ măng. Lúc họ về đây, Thu 22, Sương-Cam 23. Lúc nầy, Phan Mộng Hoàn đã ra lão làng , hơn tụi hắn gần 10 tuổi nên phách lối ra mặt, bày vẽ cho các cô bạn nhỏ nhiều chiêu để trấn áp bầy quỷ sứ dưới kia nơi dãy bàn học trò. Thu chững chạc hơn nên dạy đệ nhị cấp, mấy cô kia dạy từ lớp 9 trở xuống an toàn. Thu nhắc lại thời gian khi trường Phan Châu Tinh tan tành, sau 1975. Trường chuyên mần chính trị chính em hơn là chú tâm giáo dục văn hoá. Thầy cô cũ dời đi tung toé ra ngoại ô, đến các trường khác, nhường chỗ cho người quen thân của mấy ông cán bộ lớn chuyển về trường Phan Châu Trinh, tha hồ vênh vang đánh bóng cách mạng. Suốt ngày loa phóng thanh oang oang không biết chán, quảng cáo về đường lối của “chế độ ưu việt “ xã hội chủ nghĩa, Quanh năm Thu phải dẫn học trò con gái đi hoan hô đón tiếp hết phải đoàn văn công trung ương đến đoàn Cán bộ cao cấp từ thủ đô vào “tham quan Đà Nẵng”. Thu sợ nhất cảnh các em nữ sinh phải lên choàng vòng hoa chào mừng kèm theo cái ôm Liên Xô hữu nghị lợi dụng rất ghê người! Trong trường có ông bạn đồng nghiệp hăng tiết vịt, xum xoe làm người hùng 30 tháng 4. Ngày xưa, chàng ham ngâm thơ Đông Phương Hồng cho học sinh nghe trong giờ học. Sau khi miền Nam mất, chàng quay ra so sánh chuởi bới trước 75, rằng dây thép gai bao vây trường ốc, trộm cướp như rươi … nay cách mạng về nâng cấp tư duy, nhân dân ý thức tôn trọng tự do con người! Thế nhưng, chàng đi đâu cũng cẩn thận khóa hai vòng khoá cho xe khỏi bay. Nay khí thế cách mạng xì hơi , cuối đời chàng ủ rũ cô đơn không bạn bè lui tới.
Nhưng trang hỏi ký đã quá dài rồi, tôi không dám viết thêm nữa . Mặc dầu lòng trí tôi vẫn còn ăm ắp về ngày xưa thân ái… Hy vọng rằng trong dịp họp mặt mừng Trường Phan Châu Trinh 50 tuổi, tôi sẽ gặp lại Bạn bè và những học sinh ngày xưa của tôi…
Tại San Jose, cuối tháng 8 nam 2002
Phan Mộng Hoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét