Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Thầy giáo - nhạc sĩ Hoàng Bích Sơn: "Người nghệ sĩ phải biết đau đời!" - Tác giả : Trương Điện Thắng

Chúng tôi sau này dù theo học ngành nào cũng đều nắm chắc được những điều cơ bản về nhạc lý, có lẽ đó là do những năm học với thầy giáo - nhạc sĩ Hoàng Bích Sơn. Tuy môn Nhạc mỗi tuần chỉ học một giờ, nhưng ấn tượng về người thầy đầu tiên đưa ta vào thế giới âm nhạc lại rất khó phai. 

 1. Năm học Đệ Thất Trường Trung học Phan Châu Trinh, chúng tôi được học nhạc với thầy Hoàng Bích Sơn.

Ở Đà Nẵng vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, có hai thầy dạy nhạc là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ở trường Bồ Đề và nhạc sĩ Hoàng Bích Sơn ở Phan Châu Trinh, Nữ Hồng Đức, Phan Thanh Giản... Trong hiểu biết của lớp học trò chúng tôi thời ấy, Phạm Thế Mỹ với ca khúc “Trăng tàn trên hè phố” nổi tiếng, còn thầy Sơn thì đó là bài hiệu đoàn “Phan Châu Trinh hành khúc”, mà bất cứ học sinh nào vào học ở ngôi trường công lập nổi tiếng này cũng đều thuộc, đều hát đúng nhịp với sự hướng dẫn trực tiếp của chính tác giả… Thầy Sơn dáng thấp người, khá nhanh nhẹn; dù ở phía sau, nhưng nhìn thấy một dáng đi có phần vội vã trên hành lang, nách kẹp một xấp tài liệu và trên tay có vài viên phấn màu, mọi học sinh đều có thể nhận ra dáng dấp không lẫn được với ai của thầy Hoàng Bích Sơn. “Một, hai, ba, bốn”, mọi học sinh đều phải biết dùng cánh tay phải đánh nhịp: trên xuống, trái sang phải, phải lên đỉnh và từ đỉnh xuống dưới… Tập đánh nhịp những bài hát đầu đời như Lên đàng, Làng tôi, Vó câu muôn dặm… để biết dần đến tiết tấu, hòa âm và âm điệu, như những thành tố cơ bản của âm nhạc. Cứ thế chúng tôi được thầy dẫn những bước đi đầu tiên… Và sau này, trong số những học trò của thầy, nhiều người đã trở thành những nhạc sĩ, như Nhật Ngân, Nguyên Chương (Lý Văn Chương), Phạm Tình, Trần Dục, Nguyễn Nam (hay nhiều thành viên trong phong trào du ca trước năm 1975 như Phạm Thị Lộc, Trương Xuân Mẫn, Phạm Sỹ Sáu…). Có những nhạc sĩ nổi danh như Tôn Thất Lan, khi về dạy ở Phan Châu Trinh năm 1961 cũng coi đồng nghiệp vong niên Hoàng Bích Sơn là thầy mình… Thầy Sơn ít sáng tác ca khúc. Ngoài tập ca khúc mang tên Một thời Phan Châu Trinh và các bản ký âm về Hò khoan và Liên khúc dân ca Liên khu 5, ông dành hết thời gian để nghiên cứu lý luận âm nhạc và dạy nhạc. Tuy vậy, từ năm 1950 ông đã là Ủy viên thường trực BCH Hội Văn nghệ Liên khu 5, Hội viên Hội Âm nhạc SACEM của Paris… Ngay bài Phan Châu Trinh hành khúc, sau này nhiều năm thầy cho biết là cùng viết lời chung với thầy hiệu trưởng đầu tiên của trường. Nhưng không một ai trong các lứa học trò Phan Châu Trinh chúng tôi có thể quên được, từng lời ca và nhịp điệu: “Phan Châu Trinh, người chiến sĩ quốc gia bất diệt đã từng hy sinh tranh đấu cho dân quyền ngàn đời còn ghi công ơn nhà chí sĩ. Buồn thấy đế quốc chiếm giang san công lao bao đấng anh hùng, điêu linh dưới ách gông cùm. Ra đi quyết lòng vì nước quên mình. Hồ Tây phương Nam còn in bóng. Lời ai dư âm vẳng qua rừng. Cùng phá xích xiềng! Giành lấy dân quyền, gương người nêu cao toàn dân ghi nhớ. Phan Châu Trinh muôn đời quyết theo gương người… …Ghi nhớ ơn người, đoàn ta quyết đi lên…”. Khi bắt nhịp những bài hát, khi dạy những lý thuyết âm nhạc nhập môn cho chúng tôi, thầy Sơn ít khi cười. Nhưng trong ánh mắt của thầy, tôi cảm nhận ở đó là những tình cảm yêu thương, tha thiết của một người nghệ sĩ trên bục giảng… 

2. Nhiều năm sau này, khi đã ra đời, bọn học trò cũ của thầy ở trường Phan Châu Trinh vẫn tổ chức những cuộc gặp mặt hàng năm vào dịp tết và nhắc lại nhiều kỷ niệm về các thầy cô thời trung học. Thầy Hoàng Bích Sơn luôn chiếm một thời lượng đáng kể trong những hồi ức ấy với bao tình cảm quý mến. Cuộc đời có những đổi thay, kéo theo những đổi thay thế sự. Nhưng với thầy Sơn, sau khi rời bục giảng, thầy vẫn ở căn nhà cấp bốn đơn sơ trong khu cư xá kiệt 8 Hoàng Diệu (Đà Nẵng) với sự an nhiên tự tại. Và sẵn sàng làm đủ mọi việc để lo cho gia đình đông con và luôn đón nhận tình yêu thương của mọi lứa học trò. Tôi vẫn nhớ nhất là những lần cùng với Trần Dục đến thăm thầy, lúc thầy đang vất vả với “nghề” làm xà phòng thủ công để kiếm sống sau giải phóng. Vừa sản xuất vừa đi tìm mối tiêu thụ bằng phong cách nhỏ nhẹ, nhu mì của một thầy giáo. Ôi bao nhiêu là thương mến! Sau này nữa, một lần tình cờ tôi gặp thầy trong một quán phở khuya trên lề đường Trưng Nữ Vương, gần nhà tôi. Một quán phở mà tôi rất ấn tượng bởi đôi vợ chồng trẻ: Lúc vắng khách, họ xách cây đàn ghi-ta ra, kẻ đệm người hát như một đôi tình nhân. Tôi “thấy” thầy tôi. Không phải là khách đi ăn khuya mà là… một cụ già đang rửa chén bát cho hàng phở. Thì ra, vợ chồng chủ quán chính là con và dâu của thầy! Thầy không bao giờ chịu ở không là vậy. Luôn luôn và sẵn sàng làm bất cứ công việc gì, nếu thấy có ích. Giáo sư nhạc sĩ Tôn Thất Lan còn kể, thầy Sơn cũng từng đi phát rẫy trồng sắn những năm khó khăn và sản phẩm của ông bao giờ cũng… chất lượng. Ông nghiên cứu sản xuất cả xà phòng bột đầu tiên sau giải phóng bằng kiến thức thời đi học của mình. Một lần họp mặt lớp cũ cuối năm ở nhà tôi, chúng tôi đã mời được các thầy Trần Đại Tăng và Hoàng Bích Sơn đến dự. Hôm ấy thầy cảm động. Hoan Trinh - Trần Đại Tăng đọc lại bài thơ tình Thỏ thẻ. Thầy - nhạc sĩ Hoàng Bích Sơn vẫn đưa cánh tay phải lên để bắt nhịp bài Phan Châu Trinh hành khúc. Chúng tôi đồng ca hào hứng như những ngày niên thiếu… Ánh mắt của ông giáo già lớn hơn cả tuổi của cha tôi, hôm ấy vẫn long lanh và như còn nguyên ánh lửa một thời trên bục giảng, như nung cháy bao nhiêu phiền muộn... Trong đôi mắt ấy, bao lứa học trò đã đi qua…

 3. Đó là chuyện của những năm trước. Công việc mưu sinh khiến chúng tôi chưa gặp lại thầy. Năm 2012, các anh Phạm Tình, Trần Dục và Bùi Văn Tiếng đã vận động các cựu học sinh in tặng thầy tập sách gồm bản thảo các bài giảng và nghiên cứu của thầy cùng với hồi ức của những học trò, đồng nghiệp. Nhà xuất bản Đà Nẵng duyệt in. Chúng tôi hân hoan cùng thầy tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách. Và tất nhiên, Phan Châu Trinh hành khúc lại được vang lên… Sau Tết Đinh Dậu 2017, một cựu học sinh nữ rủ tôi cùng đến thăm thầy, một thầy giáo già vừa bước sang tuổi 93, trong khu nhà mới ở khu phố sau chợ Hòa Cường, nơi thầy dọn về ở hơn 10 năm qua. Thầy nói ngôi nhà cũ trong khu “Nhà chính phủ” trên đường Hoàng Diệu giờ giao cho vợ chồng đứa con út. Thầy về đây cho yên tĩnh tuổi già. Chúng tôi mời thầy ăn mỳ Quảng xong lại tiếp thêm chầu cà phê kéo dài đến 10 giờ sáng. Trong không khí lạnh đầu năm, trong lúc chúng tôi e ngại, lo lắng cho sức khỏe của thầy, thì ông lại say sưa nói đủ thứ chuyện, từ đời tư cho đến thời cuộc… Chuyện những kinh nghiệm làm xà phòng, làm đèn cầy và thuốc lá điếu sau năm 1975, thầy kể: “Tôi có kiến thức về hóa học là từ vốn học lớp Đệ Lục hồi xưa. Hồi ấy học Đệ Lục (lớp 7 bây giờ) là đã biết các phản ứng hóa học, đã được vào phòng thí nghiệm rồi, nên tôi hiểu cách làm xà phòng cục, xà phòng bột theo từng loại với tỷ lệ dầu khác nhau. Thời bao cấp, kinh tế khó khăn, nhà lại đông con nên sẵn sàng làm mọi thứ để lo cho gia đình bằng chính kiến thức của mình. Làm thuốc điếu thì phải biết làm sao cho tàn thuốc trắng và cháy đều. Làm đèn cầy thì làm cách gì cho đèn không cong, tim cháy không để lại tàn đen. Làm xà phòng cũng vậy, tận dụng nguyên liệu phế thải ở khu công nghiệp Hòa Khánh về chế biến lại. Tất cả là từ các chất hóa học mình đã học… Cái gì chưa rõ lại đi hỏi mấy vị học cao hơn để ứng dụng. Thành ra nhiều người sau 1975 biết tôi đi bán xà phòng hơn là biết tôi dạy nhạc”. Lại quay về âm nhạc. Thầy Sơn cho rằng âm nhạc, nghệ thuật cũng không đơn giản. Biết những kỹ thuật thôi thì anh chỉ là người thợ. Muốn sáng tác, anh phải đau nỗi đau của cuộc đời, phải đắm say với con đường anh chọn, chẳng khác chi Newton phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn của vũ trụ vì ông đăm đắm với những câu hỏi chưa giải thích được của thiên nhiên. Khi bạn tôi cắc cớ hỏi sao đến 1975 thầy có đến 9 người con mà thầy vẫn nuôi nổi? Ông kể rằng hồi đó, công chức sinh thêm một người là được trợ cấp thêm 1 ngàn đồng; trong đó có 300 đồng thuê được người giữ trẻ, nên làm thầy giáo cũng thong dong lắm, chỉ chuyên tâm vào việc dạy học chứ chẳng phải dạy thêm học thêm như bây giờ. Nhưng quan trọng hơn theo ông là người thầy lúc ấy rất được kính nể. Tôi đưa thầy - nhạc sĩ Hoàng Bích Sơn về nhà sau buổi cà phê. Trên đường đi, tôi hỏi ông về sức khỏe và bí quyết sống lâu. Ông cười và nói rằng có lẽ giờ vẫn khỏe là nhờ mình sống đạm bạc từ nhỏ, sống không bon chen, không ganh tỵ với ai. Ông mong sống thêm ít nữa để trông thấy nền giáo dục thay đổi hơn, thực tế hơn để tạo ra những thế hệ thật sự làm cho quê hương phát triển. Muốn vậy, theo ông, cần có những người trẻ tuổi mạnh dạn hơn, bản lĩnh và giỏi giang hơn đứng ra gánh vác việc chung. Tôi nhìn sâu vào mắt thầy, ở đó, vẫn đau đáu nỗi niềm với cuộc đời... 

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét