Tôi là cái cối đá. Tôi thông thái và chuyện gì tôi cũng biết
Tuổi của tôi gần bằng tuổi bà cụ già mù suốt ngày ngồi bên cạnh ngay dưới gốc cây lộc vừng Vật chứng ba đời nhà này và tôi trở thành vô dụng từ cái ngày người khai sinh ra tôi đã qua đời hơn hai mươi năm trước. Một ông chủ nông dân cần mẫn, quê mùa, thất học nhưng chân chất.
Bà già mù là vợ của ông.
Trước đây tôi sống trong chái bếp lợp tranh, cần mẫn làm công việc hằng ngày của mình là xay gạo. Rồi một ngày tôi theo bà già mù ra phố và nằm làm cảnh bên gốc cây lộc vừng trong ngôi biệt thự lộng lẫy này. Người ta cào rứa, chà xát đến rách toạc cả da, mài nhẵn bóng loáng như khoác lên tôi một bộ áo mới cho hợp với ngôi nhà sang trọng và địa vị của ông chủ
Ông chủ sau này chính là con trai của bà già mù. Ông quyết tâm đưa bà mẹ của mình về sống tại đây để trả cái ơn bà đã đẻ ra mình, không cần biết bà thích hay không. Mặc kệ bà với những hoài cổ làng quê. Mặc kệ chuyện bà than vãn suốt ngày ngồi một mình bên cạnh chiếc cối đá là tôi trong ngôi biệt rộng thênh thang nhưng vắng vẻ. Cô gái giúp việc trẻ măng thỉnh thoảng đến dọn dẹp rồi về
Đừng nghĩ tôi chỉ là chiếc cối đá vô tri giác. Tôi biết nghe, biết nhìn và qua bao năm tháng sinh ra trên đời này tôi biết được nhiều thứ. Hiểu được thế nào là nhân tình thế thái. Tôi cũng có riêng một cuộc đời, một thân phận. Cũng chứa đựng được nhiều triết lý sống. Tôi đã xoay hàng triệu triệu lần trước khi ra chỗ này. Mỗi vòng xoay là một suy nghĩ, một trãi nghiệm. Tôi chiêm nghiệm cuộc đời qua từng vòng xoay, nhờ vậy mà tôi thông thái. Triết gia lẫy lừng cũng chỉ vậy thôi. Nhưng tôi khác họ. Lúc xoay vòng, tôi học hỏi. Khi nghỉ ngơi, tôi suy ngẫm
Chỗ của tôi là nơi có những ruộng lúa chín vàng. Có tiếng chim cu rúc mỗi trưa và tôi biết hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tôi không thích nằm chết dí ở chỗ này. Cũng như bà già mù. Tôi muốn về lại nơi làng quê củ.
Khi bóng tối bao trùm lên khu vườn và tiếng ồn ào bên ngoài cánh cổng sắt tôi lại chứng kiến biết bao chuyện không muốn nghe, chẳng muốn nhìn. Tôi nghe, tôi nhìn thấy hết. Thành phố thì không như làng quê. Nó ồn ào. Nó tráo trở, mất trật tự, đảo điên, lừa phỉnh. Người hiền thì ít nhưng lắm kẻ gian manh. Đừng nhìn người đạo mạo mà nhầm. Có khi là đao phủ đấy. Người giàu người nghèo tách bạch rõ ràng. Họ không chơi với nhau . Không như khi tôi còn sống ở làng quê, có tình làng nghĩa xóm, thỉnh thoảng ngồi lại với nhau hát hò còn tôi có việc để làm nhiệm vụ của mình. Người thành phố sống chen chúc, rượt đuổi nhau mà sống. Họ luôn hối hả như bọn trẻ rượt chuột ngoài đồng.
Một xã hội bệnh hoạn từ nhà ra phố, đạo đức băng hoại
Tội tình gì tôi bị phơi mưa nắng cạnh gốc cây lộc vừng, bị giam hãm bên trong tường rào xi măng cốt thép, chứng kiến bao điều chướng tai gai mắt. Hằng ngày lại phải nghe bà già mù rên rỉ, thở than, trách móc. Có khi lẩm bẩm, hồi tưởng thời còn con gái chạy rông khắp làng, rung rinh bộ ngực như hai cái gàu múc nước cho bọn trai quê ngắm nghía.
Ông chủ làm cái chức vụ, công việc gì tôi không rõ. Ít khi được nghe nói đến nhưng tôi biết ông cũng là người có uy quyền vì thấy lắm người xon xen, rụt rè, ngần ngại mỗi khi bước qua cánh cổng sắt màu xanh. Tôi thì tôi chẳng lạ gì, biết ông từ khi mới sinh ra. Lớn lên, biết ghẹo gái là lúc ông bị làng xóm sợ hãi vì tính ngông của mình. Khi làng quê yên ả rộ lên tin có cô gái hai mươi tuổi bị hiếp dâm, dìm chết dưới bùn cũng là lúc cậu trai mười sáu tuổi trốn đi biệt tích.
Bà chủ còn khá trẻ, tóc xoăn nữa mái, không đẹp nhưng được cái nước da trắng như bạch phiến, trông hơn hớn, liếng láy. Không giống như bà già mù, bà chủ hay mặc loại quần một ống ngắn tới bẹn. Buổi sáng màu xanh thì chắc chăn đến chiều phải màu hồng. Mỗi khi bà lái xe ra khỏi nhà là cối đá tôi co rúm. Bà thụt lui, tiến tới một hồi mới qua được khúc cua nơi tôi đang nằm như muốn đâm sầm, chà lên bà già mù tội nghiệp đang ngồi.
“ Mẹ kiếp! Choáng hết đường..” Ngồi trong xe bà chủ lẩm bẩm nhưng tôi nghe rất rõ. Không biết chửi tôi hay chửi bà mẹ chồng.
Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng ra đạo tặc. Đám người hay lui tới nhà chủ tôi nhận biết hết. Cũng giống như ông chủ, phần đông họ là đám người ngu dốt mang bộ mặt trí thức. Trưởng giả học làm sang. Trưởng giả, quyền uy nhưng ít học, dốt nát thường chơi ngông để chứng tỏ đẳng cấp. Họ trương ra đủ thứ trong nhà ngoài ngõ đến lố bịch, trơ trẽn. Trong phòng khách, trên kệ tủ thường là những chai rượu đắt tiền thay thế những cuốn sách . Họ nói về bia bọt, ăn uống, gái gú thay cho những con số và chữ nghĩa. Họ tự hào về sự lạnh lùng, vô cảm, ngu dốt của mình chẳng khác mấy với bọn cướp
Cũng vì cái sự ngu dốt đó mà thân tôi phải nằm tại đây, dưới gốc cây lộc vừng có giá mười ngàn đô la này.
Một ngày bỗng dưng ông chủ nằm liệt giường. Người ra vào thăm hỏi đông như hội nhưng rồi vài ba tháng sau thưa dần và đến bây giờ chẳng còn thấy ai đến nữa. Khách bà chủ lại nhiều hơn trước. Đàn ông, đàn bà đủ loại người. Thỉnh thoảng lại nghe bà già mù chửi đổng “ Đồ dâm đãng,mất nết!”
Ông chủ hay ngồi trên xe lăn, nhìn ra ngoài từ bên trong cửa kính, miệng méo xệch, đôi mắt dài dại. Dưới ánh điện lờ mờ bà chủ hơn hớn đang ngồi trên đùi gã đàn ông trẻ trong dưới mái hiên. Hai người đi đâu mới về nhưng gã đàn ông vẫn còn muốn nấn ná chưa chịu đi.Tôi nghe hết, thấy hết. Có tiếng cười rần rật, tiếng rên rin rít. Có tiếng ú ớ của ông chủ đằng sau kính. Gã đàn ông thì thầm : “ Mụ già đang nhìn kìa em” Bà chủ hổn hển “ Kệ mụ! Mù làm gì thấy ”
.
Bà già mù không thấy nhưng bà nghe, bà cảm nhận mọi thứ. Từ ngày ông chủ bại liệt đến nay bà thường ngồi ngoài sân đến khuya mới chịu vào ngủ . Tội nghiệp cho bà, chửi mắng lầm bầm trong miệng suốt ngày.
Mà cũng đáng đời cho bà già mù. Chuyện lúc xưa gây ra bây giờ bà phải trả nợ. Con hư tại mẹ, con trai nhờ phước mẹ. Bà vô phước đẻ ra thằng con trai đồi bại, hư hỏng, mưu mô, xảo quyệt là cũng do bà. Nếu ngày trước bà không lẳng lơ, thông dâm với lão xã trưởng, phản bội ông chồng nông dân chất phát thì đâu có đẻ ra cái loại quái thai này. Chuyện này chỉ có bà và lão xã trưởng biết. Nhưng tôi là chiếc cối đá, chuyện gì tôi cũng biết
Ông con trở về sau bốn năm trời chạy trốn cái tội hiếp dâm, giết người, đi đâu, làm gì không ai biết nhưng khi quay về ai cũng ngán, cũng thấp thỏm vì sợ trả thù. Hằng ngày thấy ông ôm cặp kè kè, nhìn bà con làng xóm bằng cái đuôi mắt. Rồi ông ra tỉnh làm việc. Rồi xe hơi nhà biệt thự, người đưa kẻ rước.
Nhà có hai cô con gái xấu như Chung vô diệm, còn đi học nhưng lại đú đởn nhiều hơn đọc sách
Bà già mù không kể cho ai nghe mấy cái chuyện riêng tư trong nhà mình nhưng tôi là chiếc cối đá, chuyện gì tôi cũng biết. Ông con hại không biết bao nhiêu người ra thân tàn ma dại.
“ Tiên sư chúng mày! Mã mẹ cái thằng đang đè con dâu tao. Mã cha cái loại đàn bà dâm đãng. Có hứng tình thì dẫn đi chổ khác mà mần ” Bà già mù rít lên trong cổ họng nghe như tiếng cối đá xay gạo kêu kin kít.
Tôi là cái cối đá. Dưới tôi cũng là cái cối đá, một phần của tôi. Hai cái nằm chồng lên nhau thành một đôi tình nhân cối đá. Đã lâu lắm tôi không được xay, được lắc, không được chồm lên nhày xuống, cọ xát vuốt ve nhau nên phát ngấy khi nhìn mấy cái cảnh này lắm rồi. Tôi chán lắm phải nghe bà già mù hằng ngày lầm bầm than thở, chửi mắng trong cổ họng rồi lại xuýt xoa tiếc nuối thời con gái, cái thuở vụng trộm, nằm ngửa trong nhà, thèm thuồng được nghe tiếng giường tre kêu cót két, chờ lão xã trưởng đến vật ngửa mỗi khi ông chồng hiền lành chân chất vắng nhà
Tôi ngán ngẫm cái cảnh phải nhìn mụ vợ lẳng lơ đón người tình vào nhà ngay trước mặt , trước mũi lão chồng baị liệt đang tức tối ú ớ đến sùi bọt mép. Tôi ê chề, khó chịu khi nghe tiếng hu hú của hai cô con gái đú đỡn với bọn trai ranh ngay trước mặt bà già mù. Tôi ngột ngạt, ngưa ngứa lúc chúng cọ mông vào thân cối đá tôi làm chổ tựa mỗi khi chúng hứng tình
Tôi nghe, tôi nhìn thấy hết mọi thứ ba đời trong cái nhà này. Không như tôi trên dưới chung thủy một đời. Luân thường đạo lý xã hội điên đảo, gia đình tất phải đảo điên
Tôi muốn trở lại nơi sinh ra mình dưới mái tranh, làm công việc của mình.
Tôi vốn là cái cối đá, tôi thông thái nên chuyện gì tôi cũng biết
15/4/214
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét