Tôi trở lại với bàn phím và bắt đầu viết.
Mười ngày rồi. Tiếng chổi tre xoèn xoẹt trên mặt đường đêm ba mươi cứ ám ảnh tâm trí tôi. Người phụ nữ khắc khổ cúi đầu xuống mặt đường, đôi mắt không rời cái chổi lia thoăn thoắt, vẽ vòng cung từ trước ra sau với dáng đi thụt lùi của chị. Tựa như đang vẽ những vầng trăng khuyết.
Không hiểu đêm nay chị có được đón giao thừa cùng với những đứa con bé nhỏ của mình hay tựa mình bên chiếc xe đẩy đầy rác, ngước nhìn lên bầu trời vang vang ầm ào tiếng nổ của pháo hoa. Khoảnh khắc ấy chị mơ ước điều gì?
Có cô bé yếu ớt gồng mình ôm chặt cán gỗ treo đầy bong bóng đủ màu sắc chiếm một không gian và tầm nhìn khá lớn, đang rướn người ngược chiều gió. Hàng trăm chiếc bong bong bơm căng phồng lập loè dưới ánh đèn màu. Em từ vùng quê xa xôi nào đó đang mưu sinh trên những con đường phố ngày cuối năm.
Đêm nay em sẽ ngủ ở đâu. Liệu những cái bong bong kia có ủ ấm em trong cái lạnh đêm giao thừa. Liệu pháo hoa rực rỡ có làm em vui và nở nụ cười đầu Xuân hay lại rơi những giọt nước mắt bên thềm hè nhà ai đó.
Có hai đứa trẻ trong con hẽm hun hút đang ôm nhau, khuôn mặt buồn ngước nhìn ra hiên nhà tối om chờ Ba Mẹ về. Đôi vợ chồng nghèo vất vả lội qua những con phố đông người mong cho xấp vé số vơi dần.
Họ vội vã trở về vừa lúc trên bầu trời rực sáng sắc màu. Tiếng reo vang của trẻ con. Bốn người ôm nhau hạnh phúc.
Quán nhậu đông người. Thiên hạ rủ nhau đi nhậu ngày cuối năm. Chiếc bàn kê ngoài sân quán có năm người đàn ông đang râm ran câu chuyện cười. Khuôn mặt họ núc ních, miệng toe toét cười hớn hở cùng chia vui, chúc mừng những thành đạt trong năm qua.
Người đàn ông phục phịch ngồi ngoài cùng đang than thở về đạo đức con người bây giờ sao “xuống cấp “ quá. Ông ta kể lại câu chuyện hai cô bảo mẫu hành hạ trẻ con. “ Bọn này đùng là một thứ vô đạo đức, nhẫn tâm, tàn bạo. Tôi mà xử hả? Cho chúng nó cái án chung thân hay tử hình mới xứng.”
Người có khuôn mặt phúc hậu, ít thịt nhưng nhiều mỡ ngồi tựa lưng vào tường góp chuyện : “Lão sếp của tui vừa mới về hưu. Cái khách sạn mới xây nuôi đủ ba đời nhà nó..”
Ba người còn lại có mấy câu chuyện đạo đức khác.
Người phụ nữ quét đường len lén đến gần, nhẹ nhàng cầm cán chổi khoèo những vỏ lon bia dưới gầm bàn. Lão có cái bụng vượt mặt ngồi ngoài cùng bịt mũi, nhăn mặt : “ Hôi quá!..” Lão lấy chân đá mấy vỏ lon văng ra ngoài lề đường. Người phụ nữ quét rác vội vã chạy ra, gom mấy vỏ lon vào vạt áo dạ quang màu xanh. Chị nhẩm tính “ Mỗi cái hai trăm. Hai mươi hai cái được bốn ngàn tư. Đỡ vã ”
Tôi không đi thăm ai mấy ngày Tết ngoại trừ đến nhà thằng bạn chí cốt, chơi với nhau từ thời tiểu học. Nó là cán bộ cấp quận, khoe cái ti vi mới tậu mười mấy triệu truy cập được internet. Nó dùng điều khiển từ xa gõ tên Quang Vũ rồi nói : “ Xem đây nè..” Tôi đùa : “ Ông gõ tên tôi thử xem.” Thằng bạn mày mò rồi cũng được cái tên của tôi. Trên màn hình hiện lên những bài viết. Google đã làm cái việc tôi không hề yêu cầu. Nhiều bài viết của tôi đang ở đó, trước mặt thằng bạn thân muôn thuở.
Đầu năm nghe nó chê mấy người được có tên trên mục tìm kiếm của Google là loại vô danh tiểu tốt . Tôi chạnh lòng nghĩ đến những danh nhân Thế giới, những anh hùng dân tộc, những nhà văn kiệt xuất mà Google có công mang về cho thiên hạ dễ tìm kiếm đã bị lùa vào một loại như tôi. Buồn thay.
Mồng sáu Tết tôi gặp người anh, người bạn văn chương. Anh Nguyễn Hoàng Quý định cư tại Bangkok về thăm Mẹ. Một buổi sáng vui vẻ và nhiều ý nghĩa cùng với các nhà văn, nhà thơ Đà Nẵng. Đó là hôm duy nhất trong mấy ngày Tết tôi cảm thấy hạnh phúc.
Tôi sống trầm lặng. Hằng ngày ra quán ngồi thường hay bị tra tấn với đủ thứ chuyện tào lao xịt bộp. Chuyện bà này lên voi, ông kia xuống chó khiến tôi nghe đến chói tai. Có thằng bạn chạy xe tải đường dài, nhà trong hẽm lại hay bô bô khoe khoang chuyện đất đai, xe cộ nghe phát chán.
Tết đến người ta lại bày trò phô trương. Đôi khi tôi tự hỏi có phải chúng ta mỗi ngày càng trở nên lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại mình.
Mấy năm quay lại viết văn tôi được thêm nhiều bạn. Những người có tâm hồn và trái tim ở trong và ngoài nước. Tôi làm quen được nhiều người và học hỏi được nhiều điều.
Nhưng tôi cũng mất đi khá nhiều bạn.
Những đứa bạn thân thiết vài chục năm. Có những đứa học cùng nhau. Nhiều bạn may mắn thành đạt, có cơ hội tạo nên địa vị xã hội lại quay lưng với tôi. Chẳng hiểu vì sao? Tiếc thay!
Mồng chín Tết.
Người phụ nữ quét rác trở lại công việc của mình sau hai ngày nghỉ ngơi. Tiếng chổi tre vẫn xoàn xoạt trên các con đường về khuya. Chị vẽ hàng ngàn vầng trăng khuyết sau mỗi bước thụt lùi. Chị xây ước mơ dưới ánh đèn đêm, soi bóng mình trên mặt đường đầy rác rưởi. Trong cái se lạnh chị mĩm cười khi nghĩ về đứa con ngoan đang ở nhà và hai đứa đang học đại học ở xa. Chúng nó học giỏi nhờ những đồng tiền từ chiếc vỏ lon chị nhặt nhạnh bên ngoài quán nhậu hay những thứ người ta vất đi nhưng vẫn có thể lượm lặt bán được.
Cô gái ốm yếu không còn bán bong bóng nữa. Em xin được vào làm công việc rửa chén bát trong một nhà hàng. Khuôn mặt đỡ tím tái hơn nhưng thác ghềnh, cạm bẫy có đánh gục em trên bước đường mưu sinh. Liệu thân xác em có rơi vào những bàn tay nhơ nhớp, nhầy nhụa đầy mỡ.
Vợ chồng người bán vé số trở về nhà lúc chạng vạng tối. Hai đứa trẻ vẫn còn mặc chiếc áo mới Mẹ mua vào đêm ba mươi Tết chạy ào ra cười hớn hở trong vòng tay yêu thương của Ba Mẹ mình.
Còn tôi trở lại với công việc hằng ngày. Vẫn về với Mẹ mỗi chiều và lúc rảnh rỗi lại ngồi trước máy tính, lướt ngón tay trên bàn phím và viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét