Thân gởi đến các bạn bài viết của thầy Cao Huy Hóa đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo Blog ( Nguyễn Hương SG )
Ngày nay, Việt Nam vẫn còn là điểm đến khá mới mẻ đối với người nước ngoài. Không kể khách du lịch đến Việt Nam ngày càng đông, nhiều người nước ngoài đã vào nước ta để công tác và học tập, trong đó có người chọn Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Họ nghĩ gì về đất nước và con người Việt Nam? Đó là những ý kiến thú vị, tương đối khách quan của người bên ngoài, nhất là khi những ý kiến này được công bố một cách có trách nhiệm vì xuất hiện trên phương tiện truyền thông chính thức. Đọc báo Tuổi Trẻ, ngoài chuyện thời sự và các mục văn hóa, văn nghệ, kinh tế, xã hội…tôi rất thích mục "Dưới mắt người nước ngoài" ghi nhận cảm nghĩ của những người từ bốn phương, nhiều nhất là công dân các nước phát triển, về đất nước Việt Nam mà họ yêu quý. Đặc biệt, một bài báo của một doanh nhân người Mỹ, Mark T., trên tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật 24/ 7/ 2011: "Người trẻ Việt giàu hay nghèo?" đã nêu lên một khía cạnh giàu nghèo ở Việt Nam, khiến người đọc phải suy ngẫm.
" Sống và làm việc ở VN được hai năm, tôi vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi trên từ đứa con 7 tuổi của mình. Những ngày đầu sống tại đây, tôi từng trố mắt không ít lần khi thấy nhiều chiếc xe hơi đắt tiền vi vu ngược xuôi khắp phố phường VN. Nhiều chiếc trong số đó trị giá cả trăm ngàn USD, một con số không hề nhỏ ngay đối với những cá nhân thành đạt trong xã hội phương Tây như chúng tôi. Điều đáng nói hơn cả là rất nhiều người ngồi sau vô – lăng có gương mặt non choẹt. Cái cách họ tiêu tiền cũng khiến tôi và bạn bè phương Tây nhiều lần phải kinh ngạc khi chứng kiến.
Tôi từng thấy cảnh một nhóm bạn trẻ (chỉ trạc 20 tuổi) thản nhiên rút tờ 500.000 đồng để "boa" cho người giữ xe ở một quán bia Đức. Người bạn Việt đi cùng tôi nói: "Anh bảo vệ vừa khen xe của họ nhìn thật sành điệu. Câu nói đó khiến họ cảm thấy vui nên quyết định 'boa' là vậy". Lời giải thích của anh bạn người Việt khiến tôi choáng váng. Cá nhân tôi cũng vài lần gặp những câu chuyện tương tự, nhất là ở những tụ điểm thiên về ăn chơi, giải trí…Những mặt hàng điện tử đắt tiền như iPad, iPhone…cũng được tiêu thụ với tốc độ chóng mặt ở VN dẫu thu nhập trung bình của người dân nơi đây khá thấp.
Nói họ giàu là vậy, nhưng tôi từng nhiều lần chứng kiến những cá nhân trên tải nhạc miễn phí trên mạng thay vì đi mua đĩa, họ cũng thờ ơ với những hoạt động tình nguyện cần sự hỗ trợ về mặt vật chất lẫn tinh thần".
Những người trẻ nói ở trên là người như thế nào?
- Có thể bản thân những người trẻ này là giàu, vì họ thừa kế gia sản của cha mẹ, hoặc được cha mẹ giao cho cơ sở làm ăn,…và cũng có thể những người trẻ này quá giỏi làm ăn (nhanh như thế này thì làm sao chân chính được!).
- Có thể nói họ giàu, vì họ là con nhà giàu. Nhưng nếu cha mẹ của họ là những người làm ăn chân chính, vất vả trên thương trường, trên công trường hoặc xí nghiệp, công ty, và nếu cha mẹ họ là những người trọng văn hóa, biết dạy con, thì con họ cũng không hưởng thụ quá mức, không tiêu tiền như nước, không "hào hoa" như thế. Vì vậy, đây là những quý tử của những vị cha mẹ phất lên giàu bất ngờ, giàu trúng mánh, giàu nứt đất đổ vách, tất nhiên không loại trừ những người tham nhũng. Con cái mà như vậy, thì cha mẹ chắc chắn là ăn chơi đậm hơn.
Cách sống của những người này thể hiện hai mặt: nơi chốn ăn chơi thì vung tay để chứng tỏ đẳng cấp giàu sang, sành điệu, không những thế, lại còn ngông cuồng như đua xe hơi cả đoàn, loại đắt tiền Ferrari, Lamborghini trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương; nhưng mặt khác, trước những hoàn cảnh bất hạnh, khốn khó, trước những cuộc vận động vì người nghèo thì không màng tới.
Đây là một hiện tượng xã hội tại các đô thị lớn, trước hết phản ánh sâu sắc sự phân hóa giàu nghèo. Sự giàu có thể hiện nơi biệt thự sang trọng, nơi cơ sở kinh tế, dịch vụ, ngân hàng, chốn ăn chơi,…dễ thấy nhất là xe hơi đắt tiền. Những người từng sống tại Paris và các thành phố lớn tại Pháp cho biết phần lớn xe trên đường phố chỉ thấy những loại gọn gàng, tiết kiệm xăng, ít ô nhiễm môi trường, chứ khó thấy những xe sang trọng bắt gặp tại Hà Nội và TP.HCM. Nét giàu có cũng thể hiện ở hiện tượng thanh niên đi du học tại các cường quốc Mỹ Âu. Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ phản ánh điều đó: "Sinh viên Việt Nam tràn ngập nước Mỹ trong niên khóa 2008 – 2009 (…) Việt Nam đã nhanh chóng tiến vào tốp 10 nước có nhiều du học sinh nhất Hoa Kỳ, qua mặt Thái Lan hay Indonesia". Trong khi đó, đại bộ phận dân cư vất vả trên đồng ruộng, trong nhà máy, trên đường phố, lo ăn từng bữa, chạy tiền ăn học cho con bở hơi tai.
Những kẻ giàu sang này không nâng cao tầm văn hóa đô thị, mà ngược lại, càng làm cho bộ mặt đô thị thêm những mảng sáng tối không thể điều hòa được. Những người này lại sống cách xa với đa số nhân dân lao động, không biết đến thực trạng của đất nước, hững hờ với những số phận không may.
Lối sống của những người trẻ này vừa tác động tiêu cực lên bộ mặt của xã hội, nhưng đồng thời họ cũng là sản phẩm của chính xã hội đó. Thời gian đã khá lâu, kể từ ngày đất nước ra khỏi quan liêu bao cấp, tiến lên đổi mới kinh tế để có sự phát triển rõ nét như ngày hôm nay; nhưng cũng trong tiến trình đó, các tệ nạn tham nhũng, buôn lậu, vẫn cứ sống khỏe, việc chạy chỗ, chạy chức, chạy quyền, chạy việc làm vẫn tràn lan, trong khi pháp luật vẫn chưa nghiêm. Căn bản của một xã hội ổn định là nền tảng đạo đức của người dân được giữ vững và nẩy nở, là tinh thần thượng tôn pháp luật của mọi cơ quan công quyền đến người dân được tuân hành triệt để, là đời sống vật chất của đại đa số người dân được đảm bảo… Khi những điều căn bản đó chưa được vững chắc thì những loại dây bìm bịp vẫn cứ leo, che đi những hoa lá cành tươi tốt.
May thay, người trẻ trong xã hội vẫn có nhiều bộ mặt sáng, không sáng theo kiểu hào nhoáng lòe loẹt, mà sáng từ trong cuộc sống vật chất cơ cực, như hoa sen vươn lên từ bùn. Bài báo mà tôi dẫn chứng xuất hiện trong tháng 7 thì cũng trong tháng đó, báo chí nở rộ thông tin về thi tuyển sinh đại học, về gương sáng học tập và phong trào "Tiếp sức mùa thi". Vậy thì câu hỏi "Người trẻ Việt giàu hay nghèo?" cũng nên đặt ra trước hiện trạng này. Một bên là các thanh niên vi vu trên xe hơi đắt tiền, tô lên bộ mặt hào nhoáng của đô thị, một bên là hàng hàng lớp lớp sĩ tử từ mọi miền của đất nước đổ về TP.HCM, Hà Nội và các thành phố lớn khác, quyết chí thi tuyển sinh vào đại học, để mong trúng tuyển mà đổi đời. Trước cảnh lạ đường xa, các em âm thầm, ngơ ngác, và cha mẹ đi theo các em cũng ngơ ngác không kém.
Tất nhiên có rất nhiều học sinh có đầy đủ điều kiện vật chất để đi thi đại học tại nơi xa, nhưng cũng không ít học sinh nghèo gồng mình đi thi tại những trường đại học mơ ước, mà hầu bao thì hạn chế, lại chưa biết ăn ở đâu nơi phồn hoa đô hội. Kết quả như thế nào? Chắc phần đông rồi cũng ngậm ngùi an phận trở về quê cũ, trong đó có nhiều em vẫn còn nuôi chí: "Thua keo này, bày keo khác". Báo chí thì chỉ nói đến các trường hợp thành công, và thành công "ngoạn mục".
Gương sáng là cô bé bán chuối chiên ở góc chợ tại thành phố Mỹ Tho, sau này được mang danh dễ thương "Uyên chuối chiên", sống trong hộ nghèo được cấp sổ, là học sinh giỏi quốc gia, đậu á khoa Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở TP.HCM). Gương sáng là cô gái Ma – hiêng người dân tộc Chu Ru đã đậu á khoa Trường Đại học Đà Lạt, đỗ đầu khối C ngành Sư phạm Ngữ văn, tranh thủ ngày nghỉ đi hái đậu thuê ở nơi xa để kiếm tiền ăn học, v.v.
Một trường hợp đặc biệt, có em con nhà quá nghèo, ở tỉnh lẻ, lại đi một lèo ra quốc tế thi Toán: Võ Văn Huy ở Phú Yên, cha làm thợ hồ, mẹ đi bóc vỏ hạt điều kiếm tiền công, em gái bị bại liệt từ nhỏ, Huy ngoài giờ học phải đi chăn bò thuê. Thế mà Huy đi thi và đoạt huy chương đồng trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 52 tại Hà Lan, làm vẻ vang tuổi trẻ Phú Yên.
Thật ra, những khuôn mặt trên là những dẫn chứng ít ỏi, được đề cập trên báo như là biến cố hấp dẫn dư luận, một dư luận đánh giá cao tinh thần hiếu học và thương cảm cho các hoàn cảnh không may; chứ trong xã hội biết bao nhiêu trường hợp khó khăn mà sĩ tử vẫn cố gắng vượt qua để mong đổi đời cho mình và báo ân cha mẹ. Tức khắc báo đã gây nên hiệu ứng tốt: Bạn đọc nhanh chóng đóng góp tiền để báo trực tiếp giúp đỡ các sĩ tử này.
Cả hai mặt tương phản giàu nghèo, đặc biệt ở thanh niên, là những vấn đề lớn đặt ra cho xã hội. Đối với lớp sơn hào nhoáng của những nhà giàu non trẻ như thế, không thể một sớm một chiều mà bị bóc đi. Đây là phó sản của một nền kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, đạo đức, pháp luật; chỉ khi những nền tảng vĩ mô đó được cải thiện thì lớp sơn này mới nhợt nhạt đi. Đứng về mặt cá nhân, mong sao những gương mặt trẻ này có được cơ duyên để bùng phát tấm lòng nhân ái, hoặc có dịp lắng lòng trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó.
Về phía khác của bức tranh xã hội, may thay, nét thương người vẫn là thực chất bền bỉ trong đời sống hàng ngày. Lấy ví dụ qua một mùa thiên tai để thấy rõ "lá lành đùm lá rách" như thế nào; qua một kỳ tuyển sinh đại học, để thấy rõ người dân đã cùng nhau "tiếp sức mùa thi" như thế nào. Những bữa cơm chay, những chuyến xe ôm tình nguyện, những đồng tiền quyên góp, những chỗ trọ miễn phí, những nụ cười đón tiếp,… đã làm nhẹ đi nỗi lo vật chất và đã động viên tinh thần cho sĩ tử khi bước vào phòng thi.
Những công tác thiện nguyện đó không chỉ là cách giúp đỡ tức thời những người cần giúp đỡ, mà tác dụng có ý nghĩa mà làm dậy lên trong tâm hồn thanh thiếu niên niềm tin về tình người, về sự tôn trọng giá trị của học vấn. Mầm thiện đó được người tiếp nhận nuôi dưỡng trong lòng, để mai đây, mình sẽ gieo nhân ái trên đường đời cho môi trường mình sống và làm việc.
Thật ra, sau "tếp sức mùa thi", còn có biết bao câu hỏi đặt ra: Không lẽ lối đi cho người nghèo thoát nghèo chỉ là con đường vào đại học, trong khi đất nước rất cần những công nhân lành nghề, những kỹ thuật viên thạo việc, những cán sự giỏi giang trên các lãnh vực của đời sống, những nghệ nhân tiểu thủ công nghiệp,… và những mẫu người như thế này cũng cần được dư luận đánh giá cao lắm chứ? Rồi những sĩ tử nghèo may mắn đậu đại học, thì gánh nặng ăn ở, học phí, sinh hoạt giải quyết ra sao, có đi hết chặng đường hay dở dang? Những câu hỏi đó chỉ được giải đáp trước hết và chủ yếu ở cấp vĩ mô. Dầu sao, những hình ảnh sống động của "tiếp sức mùa thi" đã làm cho xã hội giàu hơn, không phải là giàu vật chất, mà giàu nhân ái.
Mong sao cái giàu nhân ái lan tỏa từ thôn xóm đến thị thành, từ những công dân bình thường đến những vị công bộc của dân, sẽ làm cho bộ mặt xã hội sáng hơn mà không cần lớp sơn hào nhoáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét