Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Thơ Xuân của cụ Trần Tế Xương :

 

CẢM TẾT

Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh chưng sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu.
Thôi thế thì thôi đành tết khác,
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo.


NĂM MỚI

Khéo bảo nhau rằng: mới với me
Bảo nhau rằng cũ chẳng ai nghe
Khăn là bác nọ to tày rế (1)
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè.
Công đức tu hành sư có lộng
Xu hào rủng rỉnh Mán ngồi xe
Phong lưu rất mực ba ngày tết
Kiết cú như ta cũng rượu chè.

(1) Rế: đồ dùng đan bằng mây hoặc tre để đỡ nồi cho khỏi nhọ và nóng tay .

XUÂN NHẬT NGẪU HỨNG


Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà
Ðì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Ðỏ lòm trên vách bức tranh gà
Chí cha, chí chát khua giày dép
Ðen thủi, đen thui cũng lượt là
Dám hỏi những ai lòng cố quốc
Rằng: xuân, xuân mãi thế ru mà.


SẮM TẾT

Tết nhất năm nay khéo thật là!
Một mâm mứt rận mới bày ra
Xanh đồng thắng lại đen rưng rức
Áo đụp bò ra béo thật thà
Kẹo chú Sìu Châu đâu đọ được
Bánh bà Hạnh Tụ cũng thua xa
Sang năm quyết mở ngôi hàng mứt
Lại rưới thêm vào tí nước hoa!

XUÂN HỨNG

Một ngọn đông phong sẽ thổi phào,
Đông quân nhường tỏ lối ra vào.
Tường mai ngõ hạnh tuy như cũ,
Lá bướm cành chim đã thế nào.
Tranh pháo vui xem con trẻ nọ,
Tóc râu thêm sợ tuổi trời cao.
Tìm xuân dễ biết xuân đâu tá,
Hương khói nhà ai cũng ngạt ngào.

XUÂN

Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà.
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Loẹt loè trên vách, bức tranh gà.
Chí cha chí chát khua giầy dép
Đen thủi đen thui cũng lượt là.
Dám hỏi những ai nơi cố quận
Rằng xuân xuân mãi thế ru mà ?

TẾT DÁN CÂU ĐỐI

Nhập thế cục bất khả vô văn tự
Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài bài
Huống thân danh đã đỗ tú tài
Ngày Tết đến cũng phải một vài câu đối
Đối rằng:
Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?
Rằng hay thì thực là hay
Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài!
Xưa nay em vẫn chịu ngài...
 
TẾT TẶNG CÔ ĐẦU

Ngày xuân mừng quý khách
Khi vui lọ đàn phách!
Chuyện nở như gạo vàng
Chuyện dai như chão rách
Đổ cả bốn chân giường
Xiêu cả một bức vách!

TẾT CÔ ĐẦU 

Chị hỡi chị, năm nay túng lắm
Biết làm sao, Tết đến nơi rồi!
Này nụ, này hoa, này hài, này hán
Pháo, tranh Tàu, Hương Cảng mới sang
Chị cùng em sắm sửa lo toan
Muốn mua chịu, sợ nhà hàng lại lạ
Chị em ta cùng nhau giữ giá
Đến bây giờ ngã cả chẳng ai nâng
Cũng liều bán váy chơi xuân...
         
NGÀY XUÂN CỦA LÀNG THƠ

Ngày ba tháng tám thấy đâu mà ?
Sao đến ngày xuân lắm thế a ?
Ý hẳn thịt xôi lèn chặt dạ

MỒNG HAI TẾT VIẾNG CÔ KÝ

Cô Kí sao mà đã chết ngay ?
Ô hay, trời chẳng nể ông Tây!
Gái tơ đi lấy làm hai họ
Năm mới vừa sang được một ngày.
Hàng phố khóc bằng câu đối đỏ,
Ông chồng thương đến cái xe tay!
Gớm gan cho những cô con gái
Còn rủ rê nhau lấy các thầy!
 
GẦN TẾT THAN VIỆC NHÀ

Bố ở một nơi, con một nơi
Bấm tay tháng nữa hết năm rồi
Văn trường ngoại hạn quan không chấm
Nhà cửa giao canh nợ phải bồi
Tin bạn hoá ra người thất thổ
Vì ai nên nỗi quyển đâm vôi
Ba mươi mốt tuổi đà bao chốc
Lặn suối trèo non đã mấy hồi

Bài này làm vào cuối năm Canh Tý (1900), sau khi tác giả thi trượt. Lúc ấy gia đình ông bị mụ Hai An tịch ký ngôi nhà 247 phố Hàng Nâu. Cụ Tự Nhuận và các em ông phải lên làng Đệ Tứ ở nhờ nhà ông Trần Đăng Chu. Ông bà Tú và các con được cụ Hai Sửu (mẹ vợ nhà thơ) nhường cho ngôi nhà 280 Hàng Nâu.          
     
CÂU ĐỐI TẾT

Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi

Không dưng xuân đến chi nhà tớ?
Có nhẽ trời mà đóng cửa ai!

Nực cười thay: nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà tết!
Thôi cũng được: rượu có, nem có, bánh chưng cũng có, thừa chơi!

Xuân về chớ để xuân đi, thương kẻ quạt nồng cùng ấp lạnh
Năm mới khác gì năm cũ, van người bán muối với mua vôi

Vui xuân, xuân cả một trời, có lẽ đâu đâu cũng vậy
Người học, học cho hết sách, hay là thế thế mà thôi                        
                                                                               ____________________________________________________________________________

Lê Mai và Nguyễn Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét