VÀI DÒNG TÂM SỰ
Hôm nay 24 tháng 3 - Húy nhật cụ Phan lần thứ 86 ( 24/03/1926 - 24/03/2012 )
Tự nhiên muốn viết vài dòng tâm sự.
Ngày đầu tiên tháng 9/1971 khi vào trường đã thấy tượng Cụ đặt ngay cổng trường
Mùa hè 72 trường là nơi di tản của bà con ở Quảng trị vào tị nạn
73-74 Những cuộc biểu tình liên miên mà chủ chốt là các anh 11,12. Các anh cố thủ trong trường dùng loa phát thanh, ném đá ra. Cảnh sát dùng lựu đạn cay ném vào, cứ một đợt 7,8 ngày. Lương thực cung cấp cho các anh đã có các chị ở trường Nữ Hồng Đức cung cấp, cảnh sát thì thay phiên nhau nên biểu tình cứ kéo dài báo hại học sinh nhỏ chúng mình sáng cắp sách đi rồi lại cắp sách về. Có một lần khi nhạc sĩ Phạm Duy về diễn thuyết tại trường các anh lớp lớn dùng cà chua, trứng thối ném diễn giả, cảnh sát can thiệp báo hại chúng mình một phen tán loạn.
Trường đông, sáng thứ hai chào cờ một rừng con trai đồng phục quần áo trắng tất cả quay mặt về tượng Cụ cùng hát Hiệu đoàn ca. Trường trước năm 75 chỉ toàn học sinh nam, đồng phục quần xanh áo trắng riêng sáng thứ hai phải mặt quần trắng, áo trắng. Cũng về chi tiết này mà khi học sinh trường mình gặp học sinh trường Kỷ thuật (đường Cao Thắng) thì chọc ‘Ruồi xanh’ vì đồng phục trường này là quần xanh, áo xanh, học sinh trường này thì chọc trường mình là ‘Dòi’…
Mùa hè 75 lại một đợt di tản mới đợt này con số người lớn hơn, ảnh hưởng đến trường nhiều hơn, sân trường, lớp học đầy rác thải, bàn ghế học bị phá làm củi đốt,thậm chí có một ngôi mộ chôn ngay trước lớp học.
Sau 75 là sự thay đổi lớn nhất, thay đổi về thầy, thay đổi về trò…
Thầy giáo chỉ còn lại một số ít, còn đa phần là các thầy cô được điều động từ rừng hoặc từ Bắc vào
Trò cũng thay đổi không ít, Nam nữ học chung, Trường chỉ dạy cấp 3(10,11,12) học theo khu vực chứ không thi tuyển như trước,(trước đây muốn vào trường phải qua một kỳ thi cấp quốc gia 3,000 thí sinh dự thi chỉ đậu được 600 những thí sinh đậu được đọc tên lên đài phát thanh quốc gia). Áo, quần, giày, dép đi học thì tùy. Và dĩ nhiên chất lượng học của trò và thầy cùng suy giảm nghiêm trọng.
Mãi sau này trường cũng đã đi vào nề nếp như xưa, tiếc rằng trường đã dời sang địa điểm mới
Nhìn ngôi trường mới này nó khang trang, hiện đại, đẹp đẽ hơn trường cũ nhiều lắm nhưng vẫn thiếu thiếu một cái gì? Đó là cái hoành tráng mà một ngôi trường có bề dày lịch sử của một thành phố lớn nơi ươm mầm cho tương lai cần phải có, cái hoành tráng ở đây là cái cổng trường nó phải bề thế uy nghi nó là biểu tượng ngăn chặn những xô bồ của cuộc sống xâm nhập vào trường, cái hoành tráng ở đây là khi nhìn vào người ta nhận thấy sự yên bình, tỉnh lặng của một ngôi trường cần phải có trong đó, điều này chắc các nhà giáo của trường hiện nay trước đây là cựu học sinh của trường chắc chắn cảm nhận sâu sắc nhất .
Có một điều mình cứ suy nghĩ mãi mà không biết tại sao, trước đây có dip đến Đà Nẵng khi đi qua trường cũ, trường đã dời qua địa điểm mới nhưng tượng Cụ vẫn còn đó, không biết bây giờ đã di dời chưa vì tượng cụ là biểu tượng cho một ngôi trường chứ đâu phải biểu tượng cho một địa điểm.
Có mấy bức ảnh chôm được về trường thửơ xa xưa đính kèm để các bạn cùng chiêm nghiệm.
Ngày 24 tháng 03 năm 2012
PCTĐN 71-75, 75-78
Hứa Văn Linh
PCTĐN 71-75, 75-78
Hứa Văn Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét