Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

THĂM THẦY CŨ - Cao Thông ( PCT 64-71 )

thầy Lê Long Viên
Tiểu dẫn : Sáng nay ghé thăm thầy Viên , hai thầy trò ngồi ôn chuyện cũ hơn bốn mươi năm về trước ...Điều đáng mừng là thầy vẫn còn rất minh mẫn dù năm nay thầy đã tám mươi mốt tuổi ...Câu chuyện kéo dài gần hai giờ đồng hồ với nhiều kỷ niệm vui buồn ...Những nụ cười giòn tan của hai thầy trò làm sống lại nhiều cảm xúc ...Tiếc là vì thầy chỉ ở có một mình nên tôi chẳng biết nhờ ai chụp dùm một tấm ảnh chung với thầy ...Máy của tôi lại không có chế độ chụp tự động ...Trí nhớ thầy vẫn tốt , thầy nhớ cả HD , chú Ổn ...và cả Ngân nữa ...Post vội lên đây để các bạn xem , bài viết sẽ bổ sung sau .

1.--Từ lúc xin được địa chỉ của thầy do bạn Lê văn Mỹ ghi lại đến nay đã gần nửa tháng nhưng mãi đến sáng nay tôi mới tìm đến thăm thầy được ...Sở dĩ tôi ngần ngừ có lẽ một phần là do khoảng thời gian bốn mươi ba năm đằng đẵng từ lúc " bỏ trường mà đi " tôi không biết liệu thầy có còn nhận ra tôi hay không và nếu không nhận ra thì liệu thầy có chịu mở cửa để tiếp một " lão trượng " lạ hoắc lạ huơ như tôi vào nhà ...Thời buổi này thật nhiễu nhương và lòng người thì vốn đầy toan tính ...Ai dám tin rằng " một cậu học trò già " lại cất công đi tìm một vị thầy giáo cũ mấy chục năm về trước chỉ để thăm hỏi mà không có một ý đồ nào khác ...Một lý do khác nữa là những ngày vừa qua tôi bị cảm dai dẳng nên nhan sắc có phần hư hao , sợ rằng đến gặp thầy với cái dung nhan tiều tụy thì cũng sẽ khiến thầy mất vui ...Nhưng lý do cuối cùng có lẽ là cái lý do căn bản nhất : Tôi đã tìm trên nhiều trang mạng của bạn bè mà vẫn không thấy tấm hình nào của thầy vì thế tôi không thể hình dung được hiện nay thầy ra sao , thầy có thói quen và sở thích gì ...Cách đây mười bảy , mười tám năm gì đó , hình như tôi đã có lần thoáng nhìn thấy thầy trong một lần họp mặt cựu học sinh , nhưng hồi ấy tôi đang ở vào tình cảnh : " Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi " nên đầu óc tôi thì trì trệ và tầm nhìn thì không vượt qua khỏi cái lu gạo mất nắp ở nhà vì thế ngay đến một câu : " Thưa thầy còn nhớ con không " ( thơ Trần hoan Trinh ) tôi cũng không dám vọt ra khỏi miệng ...
Đến nay thì khác rồi ...nghĩa là nhờ theo đuổi một đường lối kinh tế trường kỳ thắt lưng buộc bụng nên tôi đã từng bước ổn định , và tuy chưa được xếp vào hạng " đại gia " hay " khá thiệt " nhưng cũng có thể tạm liệt vào hàng " khá giả " ...nhờ vậy tôi đã bắt đầu tỏ ra tự tin với " phong cách truyền thống " của mình ...nhất là từ khi nghe câu chuyện bạn HD kể về một người bạn rồi đến mấy câu còm của bạn NĐH trong một bài viết gần đây của tôi : " Chuyện thăm viếng, mời thầy cô còn sống ở ĐN. với tuổi gần đất xa trời...tại sao lại cho là không thực tế !!!!!
Chúng ta rồi cũng sẽ đến tuổi "gđxt." có người đến thăm viếng hỏi han lúc về già...neo đơn mới là quí. Chỉ cần một lẳng hoa...một món quà nhỏ và ngồi với các thầy cô một khoảnh khắc thời gian là đủ... " Sở dĩ tôi phải nhắc đến những chi tiết nhỏ này là vì chính những chi tiết ấy đã góp phần củng cố cái quyết tâm tìm thăm thầy ngay lúc thầy còn hiện diện trên đời này , được nhìn thấy thầy , được nghe thầy nói , thầy cười , thầy kể chuyện đời , chuyện dạy học , chuyện vui buồn ...để khỏi phải ân hận và tiếc nuối như tôi đã từng ...đối với thầy Trần đình Quân trước đây .
Các Giáo sư trường trung học Phan Châu Trinh DaNang ( trước 1975 )
2.--- Nhiều lúc nghĩ cũng xấu hổ vì mình mang tiếng là dân thành phố chính hiệu con nai vàng mà bây giờ nghe nhiều tên đường tôi cũng " mù trời đông " ...Nhớ ngày xưa hồi mới chân ướt chân ráo ở ĐN vào SG trọ học , chỉ trong vòng một tuần lễ là tôi đã thuộc lòng hầu hết đường phố SG nhờ vào tấm bản đồ và chiếc xế điếc ...vì thế khi có bạn nào ở ĐN vào thì tôi đếu phải đóng vai hướng dẫn viên , như trường hợp lão Khoa chẳng hạn ...còn bây giờ ? Có nhiều con đường tôi chưa bao giờ được nghe tên nên không thể biết nó nằm ở hành tinh nào .
Thế nhưng nói đi thì cũng phải nói lại ...Những năm gần đây thành phố ĐN phát triển , đường sá được mở mang ngày càng nhiều ...các khu dân cư ngày càng đông đúc nên các tuyến phố cũng được đặt thêm vô số tên mới , chắc không riêng gì tôi mà cũng có vô khối người không thuộc hết tên đường ...Vả lại cũng chẳng cần phải thuộc hết mà làm gì ...ngày nay khoa học tiến bộ , công nghệ thông tin phát triển vượt bậc ...có điều gì thắc mắc thì cứ hỏi đại giáo sư tiến sĩ Google Map là ngài sẽ trả lời ngay thôi ...Trong trường hợp ngài Google Map mà bí thì đã có hàng vạn nhà ngoại cảm thần thông quảng đại nắm trong tay cả bản đồ thế giới bên này lẫn thế giới bên kia ...vậy thì hà tất phải lo làm chi cho mệt ...
Cũng may cho tôi là cái tên đường Mai lão Bạng vốn chỉ lạ đối với tôi chứ không lạ với Google nên trước khi nổ máy xe thì trong bộ nhớ của tôi đã lưu lại vị trí và lộ trình rồi ...Chỉ còn một việc phải làm đó là nên tìm một món quà gì nho nhỏ biếu thầy cho phải phép để gọi là tỏ chút lòng thành chứ chẳng lẽ đi tay không ...
Nói đến việc này tôi lại nhớ đến câu chuyện mà bạn HD đã kể cách đây không lâu : Có một người bạn ở nước ngoài về ghé thăm bạn HD , sau khi tay bắt mặt mừng và trò chuyện với nhau vui vẻ , người bạn ấy tỏ ý muốn đi thăm vài thầy cô giáo cũ nên hỏi ý bạn HD ...Bạn HD đã mách nước cho bạn ấy về sở thích của thầy N...Một món quà nhỏ bé nhưng lại gởi gấm rất nhiều tình cảm đã khiến thầy N. rất xúc động . Thầy bảo : " Thật không ngờ cái cậu học trò nghịch ngợm , ngày xưa bị thầy bắt quì hoài bây giờ lại thương thầy thế này " Người bạn ấy đã trả lời một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ : " Thầy đừng bận tâm , đó là đạo lý làm người thôi thầy ơi ! " Câu chuyện nhỏ ấy khiến tôi vô cùng cảm động vì thế tôi đã xem như bài học cho chính mình và cho cả các con mình . Cuộc sống luôn đổi thay và luôn chịu tác động của nhiều qui luật khắc nghiệt ...Lịch sử loài người cũng vậy ...nhưng có những điều vĩnh viễn không thể và không được phép đổi thay ...đó chính là cái " đạo lý làm người " như người bạn tôi đã nói .
Tranh sơn dầu của cô Mộng Hoàn
3.-- Trong số các lớp thuộc khối CHSPCT6471 thì lớp Đệ tam C chúng tôi là lớp có mối quan hệ mặn mà nhất đối với thầy Lê long Viên ...Nếu các lớp A và B chỉ biết và gặp thầy trong vai trò thầy Tổng giám thị thì đối với lớp C chúng tôi , thầy còn phụ trách dạy môn Pháp văn sinh ngữ 2 ...Tuy chỉ được học thầy trong một niên khóa tại phòng 21 , mỗi tuần 6 tiếng đồng hồ nhưng có thể nói chính nhờ thầy mà tôi ham thích và học khá giỏi môn này ...Những bạn ở các ban A và B chắc chỉ biết thầy với dáng vẻ nghiêm khắc của một vị Tổng giám thị , lúc nào cũng kẹp trong tay một chiếc roi mây và sẵn sàng quất vào mông những học sinh nhảy rào cúp cua , tóc dài , đi dép lê ...hoặc vi phạm kỷ luật nhà trường ... Nhiều bạn cho rằng tính thầy có vẻ nóng và hình như vì thế nên họ không dám gần gũi ...Trong những giờ học sinh đã vào lớp thầy hay đi lững thững kiểm tra quanh sân trường và thật xui xẻo cho bạn nào đang hoặc có ý định vi phạm nội quy nhà trường ...Tuy thầy không có vẻ đằng đằng sát khí như thầy Du đức Phương hoặc lạnh tanh và nặng nề như thầy Lê văn Tâm nhưng tôi cảm thấy hình như thầy lại có vẻ có uy đối với học sinh hơn hai vị thầy kia ...Chỉ cần nhìn thoáng thấy từ xa với màu áo kaki vàng là hầu hết các bạn đều tìm cách lủi đi chỗ khác dù không hề làm điều gì sai trái ...Có lẽ không bạn nào dám vỗ ngực tự tin rằng mình không hề có điều gì lầm lỗi trước mắt thầy vì thế " tam thập lục kế tẩu vi thượng sách " Hình như cái uy lực của thầy toát lên từ cá tính thẳng thắn và một kiểu nóng nảy , bộc trực nhưng có kiểm soát nên không đến nỗi quá đà ...Ngày hôm qua , bạn Bình sau khi được biết tôi đi thăm thầy cũng đã điện thoại trách tôi sao không rủ bạn ấy đi cùng ...Bạn ấy đã nhận xét qua tấm hình do tôi tải lên rằng thầy có vẻ gầy và khác với ngày trước rất nhiều ...Bạn ấy cũng kể sơ vài chi tiết đáng nhớ khi còn học tiếng Pháp với thầy đặc biệt là lúc thầy cố gắng sửa cách phát âm tiếng Pháp của Bình vì hồi ấy Bình nói giọng Quảng khá nặng ...Bạn ấy còn nói thêm rằng : " Binh Phan : Mình cũng rất nhớ Thầy Viên thật ấn tượng,vui tính,gần gũi với học trò bạn Thông ơi ! Sao bạn không rủ mình cùng ...bái kiến Thầy !,...nên mới gây ra cảnh ......máy cùi bắp mà.không ai chụp hình !..hi hi.."Tôi đã nói với Bình : " Thầy Viên hơi nóng một chút và có uy nhưng không ác ...Bạn đồng ý không ? " Bình trả lời : " Nhận xét đúng lắm ..." Một chi tiết khác nữa , đáng lẽ nên để trong phần tường thuật cuộc trò chuyện của tôi và thầy nhưng tôi thấy nên kể luôn ở đây để các bạn khác có thể hình dung rõ hơn về thầy ...Thầy bảo : " Có một lần thầy cảm thấy rất áy náy nhưng đồng thời lại cảm thấy tự hào về trường mình ...Hồi ấy , có nhiều học sinh các trường chịu ảnh hưởng phong trào Hippie nên mặc quần ống loe và để tóc dài , trường mình cũng có một vài em nên nhà trường ra thông báo đề nghị phụ huynh và học sinh lo chỉnh đốn trang phục , tác phong trước khi đến trường , sau đó nếu em nào vi phạm thì nhà trường sẽ áp dụng biện pháp mạnh ...Có một hôm đầu tuần , thầy đứng kiểm tra ở gần cổng , nhìn thấy một em được phụ huynh chở đến , vừa xuống khỏi xe , em ấy len lén đi nép bên cổng để tránh thầy nhưng không kịp ...Thầy gọi lại , ba em ấy vẫn còn đứng bên ngoài cổng nhìn vào nhưng thầy không biết ...Thầy bảo em ấy đứng nghiêm để thầy dùng kéo cắt một bên mai , sau đó thầy phát phiếu vào lớp cho em ấy vào và yêu cầu ngày hôm sau cắt tóc xong rồi đến gặp thầy ...Em học sinh hối hả chạy vào lớp trong khi ba em đứng bên ngoài bật khóc ...Thầy cảm thấy hơi ân hận nên nói với ông rằng : " Đâu có gì đâu chú , kỷ luật nhà trường thì phải vậy thôi ...nhưng chỉ ít hôm thì tóc lại dài ra thôi ...không hề gì đâu chú ơi ...chú đừng buồn nữa ..." Ông ta trả lời : " Không phải tôi khóc vì tiếc đầu tóc của nó mà tôi cảm động vì cái uy của nhà trường và của thầy ...Tôi nhìn thấy nó đứng nghiêm cho thầy cắt tóc mà không dám có một cử chỉ phản kháng chứng tỏ nó biết nó sai trong khi ở nhà tôi và má nó nhắc nhở hoài mà nó có chịu nghe đâu , nhiều lúc còn cãi lại nữa ..."

PHẦN 2
Tôi dừng xe trước số 44 đường MLB ...Hóa ra bạn LV MỸ đã có sự nhầm lẫn khi đọc số nhà của thầy cho tôi , nhưng không sao ...đó chỉ là một sai số không đáng kể . Điều quan trọng là cuối cùng tôi cũng tìm được nhà thầy . Tôi hơi do dự nhìn vào cánh cửa sắt khóa bên trong trước khi quyết định lên tiếng gọi thầy ...Trong một khoảnh khắc , những kỷ niệm của thời học sinh lướt nhanh trong trí tưởng tôi .:
Căn phòng 21 nằm ở một khu biệt lập phía dưới sân bóng rổ và phòng thí nghiệm của trường , tại đây chỉ có 2 phòng học là phòng 21 và phòng 22 ...Tuy có cánh cổng riêng phía đường Duy Tân nhưng hiếm khi cánh cổng này được mở vì thế muốn xuống các phòng này chúng tôi phải đi vào bằng cổng chính đường Lê Lợi
hoặc một cổng phụ nằm trên đường Duy Tân -- gần nhà để xe -- chạy dọc từ phòng 1 đến phòng 12 ...sau đó băng qua sân bóng rổ và một bãi cát trắng , nơi có một bể nước của nhà máy nước mà chúng tôi thường đùa nghịch bằng cách thi nhau leo lên tầng trống cao khoảng hơn 2 mét rồi nhảy xuống cát xem ai nhảy xa hơn ...Đối với tôi dãy phòng này là địa điểm thú vị nhất vì tuy nó có vẻ " nghèo và không đẹp , không trang nghiêm như khu vực sân trường chính " nhưng được một điều là nó ở xa mặt trời nên ít nóng ...( ý nói các thầy giám thị và thầy hiệu trưởng ít khi kiểm tra )
Vì ban C là ban Văn chương - Sinh ngữ nên tuy tiếng Pháp là Sinh ngữ 2 nhưng chúng tôi cũng được học rất kỹ để sau này thi Tú Tài bán và Tú Tài toàn ...Giáo trình cho năm đệ tam là sách " Cua đờ lân 1 : Cours de langue ...1 " hay còn gọi theo tên tác giả " Mô rê 1 : Mauger 1 " . Cách thi cũng gồm 2 phần , phần thi viết gồm 1 bài text để kiểm tra từ vựng , cách chia động từ , chính tả và viết một đoạn văn ngắn , phần thi vấn đáp gồm những câu hỏi và trả lời các câu cơ bản trong sinh hoạt thường ngày . Nếu ở môn tiếng Anh năm lớp 12 chúng tôi được thầy Nguyễn ngọc Kỳ bắt buộc viết nhật ký để luyện cách viết luận và làm phong phú vốn từ thì trong môn tiếng Pháp thầy Viên thường cho chúng tôi viết chính tả bằng cách đọc những bài văn tiếng Pháp để luyện khả năng nghe và ngữ vựng cho chúng tôi . Giọng đọc của thầy rõ ràng và chuẩn nên nếu chịu khó học bài thì rất dễ kiếm điểm 20 ...Mỗi lần làm bài kiểm tra hoặc thi học kỳ , sau khi phát đề thầy Viên thường đi đến từng bàn , nhìn vào bài học sinh đang làm để xem thử nên khó có bạn nào quay cóp được ...Tôi nhớ có lần thầy Viên phát hiện một bạn vốn là tu sĩ , len lén giở tài liệu nên thầy cảnh cáo : " Chú không nên làm thế ...Tôi rất nể chiếc áo chú đang mặc nên chỉ nhắc nhở chú chứ đối với các em khác thì tôi đã tịch thu bài rồi ...Mong rằng chú hiểu điều đó ..." Những lời nói nhẹ nhàng ấy đã làm cho bạn ấy hối hận và sau này đã tiến bộ rất nhiều trong môn học của thầy ...
Dòng hồi ức của tôi cứ chảy như thác đổ khiến tôi cứ đứng ngẩn ngơ trước cửa nhà thầy , mãi đến khi sực tỉnh tôi mới lên tiếng gọi lớn : " Thầy ơi thầy , thầy mở cửa cho em được không ? "
Từ trong căn phòng cửa kiếng , thầy tôi cầm chìa khóa , chậm rãi bước ra mở cửa ...Thầy nhìn tôi có vẻ ngờ ngợ và hơi ngạc nhiên : " Thầy xin lỗi ...em là ? Thầy nhớ mặt nhưng ...quên tên mất rồi ....Học trò nhiều khóa , nhiều lớp quá thầy nhớ không hết ..."
Tôi trả lời ngay khi vừa bước vào : " Dạ ...em là Thông ,lớp em hồi đó có 2 Thông ...nhưng bạn Đỗ văn Thông mất rồi , em là Trương văn Thông ... bốn mươi lăm năm trước em đã học Pháp văn do thầy dạy , năm đệ tam C ...ở phòng 21 ..."
Thầy cười : " Ừ ...ừ ... Thông hả ...thầy nhớ rồi ...vào đây em ...? "
Tôi ngồi xuống bên chiếc bàn kê giữa phòng khách nhỏ nhắn , đối diện thầy và đọc thấy một thoáng vui mừng nhẹ trên ánh mắt thầy khi thầy bảo : " Em uống bia nhé ?
Tôi đáp : " Dạ không ...em không uống bia ...thường thường em chỉ uống nước lọc , đôi khi vui lắm mới pha thêm một chút bia cho nó có màu mà thôi ..."
Thầy cười hiền : " Vậy thì hôm nay cũng vui , thầy khui một lon ...em uống phần ít thầy uống phần nhiều ..."
Tôi ấp úng : " Dạ ...như vậy cũng được ..." Trong khi thầy đứng dậy đi lấy nước giải khát , tôi nhìn thầy để cố đoán tình trạng sức khỏe hiện tại của thầy ...Một thoáng ngậm ngùi dâng lên trong tâm tư tôi khi nhận ra rằng những bước đi của thầy không còn vẻ linh hoạt và mạnh mẽ như ngày xưa nữa ...Thời gian như dòng sông cuồn cuộn chảy ...Vinh quang , ô nhục , thiện ác , thị phi ...Tất cả mọi điều rồi sẽ chìm sâu ... sẽ trở thành những trầm tích ...trong đại dương đời sống mênh mông . Và cả chính tôi ...thân xác này rồi cũng vậy ...Vì thế còn gặp được những dấu yêu xưa được phút nào thì hãy cứ vui mừng phút ấy ...
Dường như đọc được suy nghĩ của tôi nên thầy vừa bật nắp lon bia mới mang ra vừa nói , giọng nhỏ nhẹ : " Thầy chỉ cảm thấy mình già từ lúc bước qua tuổi 70 , trước đó thầy vẫn làm việc rất nhiều ...kể cả lao động nặng ...Bây giờ thầy đã có cháu gọi bằng cố rồi ...không già sao được ...Căn nhà này là do các con của thầy làm cho thầy mấy năm gần đây , nhờ vậy chứ nếu không chắc thầy cũng héo rồi , khu vực này ngày xưa thường xuyên ngập nước chứ không sạch sẽ như bây giờ ...Hiện nay các con thầy đều đã có gia đình và đều ở riêng , thầy ở đây một mình ..."
Tôi hỏi : " Như vậy chuyện cơm nước thì làm sao thầy ? "
Thầy cười : " Con thầy cho người mang đến hằng ngày , buổi chiều thì hâm lại ...Vả lại già rồi cũng đâu có ăn uống bao nhiêu ...mỗi bữa chừng 1 chén nhỏ thôi nên cũng dễ ...Ba mẹ em còn không ? "
--" Dạ còn , ba em năm nay tám mươi bảy , má em tám mươi mốt ..."
-- " Vậy là bà cụ bằng tuổi thầy ...Ông bà cụ sức khỏe thế nào ? "
-- " Dạ cũng khá tốt ...Em quan niệm muốn tưới cây thì phải tưới khi còn tươi nên trong giai đoạn cực kỳ khó khăn em cũng cố gắng duy trì một chế độ dinh dưỡng tương đối tốt cho ông bà cụ ...sau này mấy đứa em buôn bán cũng khá nên tiếp tục hỗ trợ và chăm sóc ...Nhưng đúng là ở thành phố tuy có nhiều tiện nghi nhưng sức khỏe ba má em vẫn không dẻo dai bằng bà nội em trước đây ...Nội em thọ đến 108 tuổi lận thầy ạ ..."
Câu chuyện càng lúc càng thêm thân mật , có những lúc tôi tưởng như mình vẫn còn là cậu học trò đang được thầy tin tưởng giao cho tôi vào sổ điểm bài kiểm tra của lớp và đang hỏi thầy về cách cộng điểm sau khi nhân hệ số ...nhất là khi thầy nhắc đến tên một vài bạn trong lớp ...Không khí buổi trò chuyện thật vui vẻ và đậm tình khiến tôi mạnh dạn hỏi thầy : " Thầy biết bạn Hoàng Dục không ? "
Thầy đáp : " Biết chứ , lúc trước nghe nói nó đi dạy , chừ chắc hưu rồi nhỉ ?
Tôi tiếp : " còn bạn Ngân ? "
Thầy hỏi : " Ngân nào ? Phải Ngân đen không ?
-- " Dạ đúng rồi ? "
-- " Bây giờ Ngân ở đâu ? Ngày xưa nó nghịch ngợm lắm mà ..."
-- " Dạ Ngân ở Cali ...Gần đây bạn ấy về ...em có gặp ...Bây giờ bạn ấy hiền khô hà ..."
Thầy cười : " Ừ ...thì tuổi học trò mà ...bởi vậy người ta mới nói Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò ...Mà nó còn đen không ?
Tôi cũng bật cười : " Dạ ...cũng trắng hơn nhiều ...Chắc tại hồi ấy bạn ấy phơi nắng nhiều ...bây giờ ở Cali khí hậu tốt lại làm việc trong phòng máy lạnh , đi xe hơi chứ đâu có chạy cả ngày ngoài đường như hồi xưa ....."
-- " Cũng phải , thầy còn nhớ nhiều đứa lắm nhưng chắc khi gặp mới nhận ra chứ bây giờ ngồi lục lọi trí nhớ thì chịu ... 
PHẦN KẾT :
Những mẩu chuyện tiếp theo là những câu chuyện mà thầy Viên kể cho tôi nghe về những vui buồn trong đời nhà giáo ,rồi đến những chuyện về các thầy cô , trong đó có chuyện về thầy Anh , thầy Định ...chuyện thầy Giai mất trong vụ máy bay rơi năm 1974 ,chuyện về thầy Tâm , thầy Trác ..và khi nhắc đến thầy Quân tôi thoáng thấy thầy rất xúc động" Trước khi mất thầy Quân có về ĐN và gặp thầy , lúc ấy thầy Quân đã bị bệnh Alzheimer nên chợt nhớ chợt quên , có khi thầy Quân gọi đúng tên thầy ....Viên ơi ...rồi lại khựng lại như chẳng biết thầy là ai ...Thầy rất đau lòng nhưng chẳng biết làm gì để giúp đỡ bạn mình ...Thế rồi thầy Quân lại ra đi và một thời gian sau thì mất ...Thầy Tăng vốn là nhà thơ nên đã làm
nhiều bài thơ về thầy Quân còn thầy thì lại không quen làm thơ nên chỉ biết lặng nhìn và đau xót ...Ừ... thầy chẳng hiểu vì sao mà rất nhiều người quen biết thầy , ở nước ngoài mức sống rất cao nhưng lại hay bị những bệnh như vậy khi tuổi đời chưa cao lắm ...
Ở VN mình người ta lại ít bị loại bệnh này dù sống kham khổ hơn ...Thông nhỉ ! " Những lời này thầy đã nói với đôi mắt ướt sau cặp mắt kính khiến tôi thấy chạnh lòng ...Tôi nói chỉ để nói : " Ở mình cũng có chứ thầy , nhưng ngày xưa người ta hay dùng từ " lẫn " để chỉ dạng bệnh này ...có lẽ " lẫn " có nghĩa là lú lẫn vì người già hay lẫn lộn mọi thứ ..Hoặc cũng có thể vì ngày xưa người ta sống chậm hơn ..Ngày nay cuộc sống càng hiện đại thì thần kinh con người càng căng thẳng , trí óc con người phải làm việc nhiều hơn ...lớp người cao tuổi ở nước ngoài lại ít có cơ hội tiếp xúc với nhau nên tinh thần rất dễ sa sút ...Những thế hệ con cháu họ thì lại dễ hòa nhập với xã hội phương Tây hơn vì phần lớn được sinh ra ở đó ...do không bị những sang chấn về tâm lý , không bị hành hạ bởi những hồi ức và kỷ niệm ở quê nhà như cha mẹ họ ...Chẳng nói đâu xa ngay trong lĩnh vực âm nhạc , nghệ thuật thầy cũng thấy các sáng tác của họ càng về sau này càng có vẻ xa lạ đối với chúng ta ...Có thể nói đó là sự may mắn cho họ nhưng lại là điều đáng tiếcđối với nhiều người trong chúng ta ..."
Thầy Viên gật đầu : " Em phân tích nghe cũng có lý ...Em nói đến chuyện sáng tác thầy mới nhớ đến một kỷ niệm vui giữa thầy với thầy Ngọc ...Thầy không nhớ rõ năm nhưng có một dạo thầy và thầy Ngọc được tham dự khóa học tại Huế về môn Công dân giáo dục ...Trong một tiết học về Tình anh em , thầy và thầy Ngọc được nghe kể câu chuyện như sau : " Có hai anh em nhà nọ , cha mẹ mất sớm chỉ để lại cho mỗi người một thửa ruộng ...Người anh đã có vợ và con nhỏ còn người em thì sống một mình ...Công việc chính để kiếm sống của họ là trồng lúa nên cả hai anh em đều siêng năng.lo canh tác trên đám ruộng của mình ..Một thời gian sau đến mùa gặt cả hai đều lo gặt cho xong đám ruộng của mình nhưng mới bó lại chất thành đống mà chưa gánh về thì trời đã tối ...
Họ dự định để tạm tại ruộng đến ngày hôm sau hẳn gánh ...Đêm ấy người anh thầm nghĩ : " Mình bây giờ đã yên bề gia thất , chỉ tội nghiệp cho em mình , nó chỉ có một thân một mình ...Chắn chắn nó phải cần có một số dư tích lũy để sau này lo việc vợ con ..." Nghĩ vậy nên thừa lúc đêm tối người anh ra ruộng , vác một số lúa từ ruộng của mình sang bỏ vào đống lúa của người em mà không cho người em biết ...Trong khi ấy người em cũng nghĩ thầm : " Nhà nghèo , anh em mình chỉ sống nhờ vào số lúa mới gặt được ...mình thì chỉ có một mình cũng dễ xoay xở chứ anh mình đã có vợ con nên chắc chắn nhu cầu cũng phải nhiều hơn ..." Suy nghĩ đến đó người em vội chạy ra ruộng , nhân lúc tối trời vội khuân một số lúa từ ruộng của mình sang bỏ vào đống lúa của người anh ...Trời đêm thôn quê tối đen nên họ không nhìn thấy nhau nên mãi đến nhiều lần sau đó họ đã đâm sầm vào nhau , ngã sóng soài trên bờ ruộng ...Cuối cùng thì họ mới nhận ra nhau và biết được việc làm có ý nghĩa này nên cùng ôm nhau mà khóc ..."
Câu chuyện nhỏ ấy đã khiến thầy và thầy Ngọc rất xúc động ...nhưng nếu chỉ có vậy thì cũng không có gì đáng nói ...Hôm ấy không biết thầy Ngọc nghĩ sao mà lại nhìn thầy rồi bảo : " Chuyện này cũng hay thật , hay là anh Viên lấy ý tưởng này dựng thành một vở kịch xem sao ..." Thầy hoảng quá ...vì từ hồi nào đến giờ thầy chỉ biết xem kịch chứ có biết soạn kịch hồi nào đâu ...Thầy định từ chối nhưng thầy Ngọc bảo : " Anh nhất định sẽ làm được ..." Thế là thầy đành im lặng ...Chiều hôm đó , suy nghĩ nát nước nhưng thầy vẫn chưa biết làm thế nào ...tình cờ thầy gặp một người bạn , lúc ấy đang phụ trách Ban văn nghệ quân đội ...Thầy mới kể lại câu chuyện này để nhờ góp ý ...Người bạn này bảo thầy : " Cái này thì dễ thôi ...Để mình giúp cho ...." Thế là thầy chỉ việc lấy giấy bút ra ngồi ghi chép ...Vở kịch gồm có 3 màn , thầy chép hơn nửa quyển vở học trò ...sau đó được công diến và còn được phát thanh trên radio ...Hồi ấy ở ĐN mình chưa có Đài truyền hình ...Điều buồn cười là sau đó thầy Ngọc khen ngợi thầy dữ lắm , thầy đã thanh minh nhiều lần nhưng thầy Ngọc không chịu tin , còn bảo thầy giấu nghề ... Chuyện đã qua nhiều năm rồi nhưng mỗi lần nhớ đến thầy cũng thấy vui vui ..."
Thầy tôi dừng lời nhưng tôi vẫn còn nghe thấy tiếng thầy vang mãi trong tâm hồn mình ...Suốt đời thầy đã không ngừng cống hiến cho nhiều thế hệ học trò ...Bằng sự bộc trực của cá tính , chân thật trong tình cảm , lương thiện trong suy nghĩ mặc dù có nhiều lúc hơi nghiêm khắc thầy đã dạy cho tôi và các bạn tôi nhiều bài học ở đời ...Thầy không dạy chúng tôi những bí quyết hay mưu mẹo để trở thành những con người thành đạt hay chiến thắng , không truyền cho chúng tôi những tài năng để trở thành anh hùng hay vĩ nhân mà thầy chỉ dạy cho chúng tôi những kiến thức sử dụng được trong cuộc sống để chúng tôi sống cuộc đời của chính mình ...Thầy chỉ mong ước chúng tôi được sống một cuộc đời bình thường nhưng lương thiện ...
Bao nhiêu năm tháng đã qua đi ...Mái tóc thầy đã bạc trắng , đôi mắt thầy không còn vẻ tinh anh , đôi chân thầy không còn nhanh nhẹn như xưa nữa nhưng tôi biết có một điều không hề thay đổi hay già đi ...đó chính là những điều ẩn chứa trong trái tim thầy đối với những người bạn , đối với ngôi trường , đối với học trò và có lẽ cả với các con thầy nữa , theo tôi được biết các con thầy có người cũng tiếp tục theo đuổi nghề thầy ...Từ biệt thầy tôi thầm tự hứa rằng sẽ lại đến thăm thầy vào một ngày khác ...Có lẽ tôi sẽ rủ vài người bạn nữa nếu những bạn ấy muốn .

TB : ( Tôi đã xin phép thầy trước khi kể lại cuộc hội ngộ lần này , thầy cười hiền : Ừ , em muốn viết gì thì viết , có sao đâu ...vui thôi mà .)
 
Cao Thông ( PCTĐN 64-71 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét