Trong đôi mắt của thầy Hoàng Bích Sơn,bao lứa học trò đã đi qua... ( Ảnh : Lê Huy Quang ) |
Đăng trên báo Đà Nẵng cuối tuần, 11/03/2012
Thầy giáo dạy nhạc Hoàng Bích Sơn năm nay 86 tuổi. Ông là một trong những nhạc sĩ sinh sống và hoạt động âm nhạc tại Đà Nẵng từ sau năm 1945, cùng thời các nhạc sĩ Vũ Hùng, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Chi Lăng, Ngọc Trai. Từ khi thành lập Trường trung học Phan Châu Trinh (1952) ông được mời dạy nhạc tại đây cho đến ngày nghỉ hưu. Bằng một kiến thức uyên bác về nhạc lý và cách truyền đạt dễ hiểu, ông đã đào tạo nhiều học sinh từ mái trường nổi tiếng này như Nguyễn Nam, Vũ Đức Sao Biển, Nguyên Chương, Trương Xuân Mẫn, Trần Dục. Tuy ít sáng tác, nhưng bài hiệu Đoàn ca Phan Châu Trinh hành khúc của ông đã trở nên một dấu ấn không phai trong các thế hệ học trò, bởi không chỉ là bài hát hiệu đoàn, ca từ trong tác phẩm còn thúc giục lòng yêu nước trong giới trẻ học đường...
Thầy giáo dạy nhạc Hoàng Bích Sơn năm nay 86 tuổi. Ông là một trong những nhạc sĩ sinh sống và hoạt động âm nhạc tại Đà Nẵng từ sau năm 1945, cùng thời các nhạc sĩ Vũ Hùng, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Chi Lăng, Ngọc Trai. Từ khi thành lập Trường trung học Phan Châu Trinh (1952) ông được mời dạy nhạc tại đây cho đến ngày nghỉ hưu. Bằng một kiến thức uyên bác về nhạc lý và cách truyền đạt dễ hiểu, ông đã đào tạo nhiều học sinh từ mái trường nổi tiếng này như Nguyễn Nam, Vũ Đức Sao Biển, Nguyên Chương, Trương Xuân Mẫn, Trần Dục. Tuy ít sáng tác, nhưng bài hiệu Đoàn ca Phan Châu Trinh hành khúc của ông đã trở nên một dấu ấn không phai trong các thế hệ học trò, bởi không chỉ là bài hát hiệu đoàn, ca từ trong tác phẩm còn thúc giục lòng yêu nước trong giới trẻ học đường...
1. Năm học Đệ Thất trường Trung học Phan Châu Trinh, chúng tôi được học nhạc với thầy Hoàng Bích Sơn. Ở Đà Nẵng vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, có hai thầy dạy nhạc là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ở trường Bồ Đề và nhạc sĩ Hoàng Bích Sơn ở Phan Châu Trinh.
Trong hiểu biết của lớp học trò chúng tôi thời ấy, Phạm Thế Mỹ với ca khúc Trăng tàn trên hè phố nổi tiếng, còn thầy Sơn thì đó là bài hiệu đoàn Phan Châu Trinh hành khúc, mà bất cứ học sinh nào vào học ở ngôi trường công lập nổi tiếng này cũng đều thuộc, đều hát đúng nhịp với sự hướng dẫn trực tiếp của chính tác giả…
Chúng tôi sau này dù theo học ngành nào cũng đều nắm chắc được những điều cơ bản về nhạc lý, có lẽ đó là nhờ những năm học với thầy Sơn. Tuy môn Nhạc mỗi tuần chỉ học một giờ, nhưng ấn tượng về người thầy đầu tiên đưa ta vào thế giới âm nhạc lại rất khó phai. Thầy Sơn dáng thấp người nhưng khá nhanh nhẹn, dù ở phía sau, nhưng nhìn thấy một dáng đi có phần vội vã trên hành lang, nách kẹp một xấp tài liệu và trên tay có vài viên phấn màu, mọi học sinh đều có thể nhận ra dáng dấp không lẫn được với ai của thầy. “Một, hai, ba, bốn”, mọi học sinh đều phải biết dùng cánh tay phải đánh nhịp: trên xuống, trái sang phải, phải lên đỉnh và từ đỉnh xuống dưới… Cứ thế chúng tôi được thầy dẫn những bước đi đầu tiên… Và sau này, trong số những học trò của thầy, nhiều người đã trở thành những nhạc sĩ, như Nguyên Chương (Lý Văn Chương), Phạm Tình, Trần Dục, Nguyễn Nam (hay nhiều thành viên trong phong trào du ca trước năm 1975 như Phạm Thị Lộc, Trương Xuân Mẫn, Phạm Sỹ Sáu…).
Thầy Sơn ít sáng tác ca khúc. Ngay bài Phan Châu Trinh hành khúc, sau này nhiều năm thầy cho biết là cùng viết lời chung với thầy hiệu trưởng đầu tiên của trường. Nhưng không một ai trong chúng tôi có thể quên được, từng lời ca và nhịp điệu:
Phan Châu Trinh, người chiến sĩ quốc gia bất diệt
đã từng hy sinh tranh đấu cho dân quyền
ngàn đời còn ghi công ơn nhà chí sĩ.
Buồn thấy đế quốc chiếm giang san
công lao bao đấng anh hùng,
điêu linh dưới ách gông cùm.
Ra đi quyết lòng vì nước quên mình.
Hồ Tây phương Nam còn in bóng.
Lời ai dư âm vẵng qua rừng.
Cùng phá xích xiềng! giành lấy dân quyền,
gương Người nêu cao toàn dân ghi nhớ.
Phan Châu Trinh muôn đời quyết theo
gương Người…
…Ghi nhớ ơn người/đoàn ta quyết đi lên…
đã từng hy sinh tranh đấu cho dân quyền
ngàn đời còn ghi công ơn nhà chí sĩ.
Buồn thấy đế quốc chiếm giang san
công lao bao đấng anh hùng,
điêu linh dưới ách gông cùm.
Ra đi quyết lòng vì nước quên mình.
Hồ Tây phương Nam còn in bóng.
Lời ai dư âm vẵng qua rừng.
Cùng phá xích xiềng! giành lấy dân quyền,
gương Người nêu cao toàn dân ghi nhớ.
Phan Châu Trinh muôn đời quyết theo
gương Người…
…Ghi nhớ ơn người/đoàn ta quyết đi lên…
Khi bắt nhịp những bài hát, khi dạy những lý thuyết âm nhạc nhập môn cho chúng tôi, thầy Sơn ít khi cười. Nhưng trong ánh mắt của thầy, tôi cảm nhận ở đó là những tình cảm yêu thương, tha thiết của một người nghệ sĩ trên bục giảng…
2. Nhiều năm sau này, khi đã ra đời, bọn học trò cũ của các thầy ở trường Phan Châu Trinh vẫn tổ chức những cuộc gặp mặt hằng năm vào dịp tết và nhắc lại nhiều kỷ niệm về các thầy cô thời trung học. Thầy Hoàng Bích Sơn luôn chiếm một thời lượng đáng kể trong những hồi ức ấy với bao tình cảm quý mến.
Cuộc đời có những đổi thay theo thế sự. Nghỉ dạy, thầy vẫn ở căn nhà cấp 4 đơn sơ trong khu cư xá kiệt 8 Hoàng Diệu với đủ thứ nghề. Nhưng tôi vẫn nhớ nhất là những lần cùng với Trần Dục đến thăm thầy, lúc thầy đang vất vả với “nghề” làm xà phòng thủ công để kiếm sống sau giải phóng. Vừa sản xuất vừa đi tìm mối tiêu thụ bằng phong cách nhỏ nhẹ, nhu mì của một thầy giáo. Ôi bao nhiêu là thương mến!
Sau này nữa, một lần tình cờ tôi gặp thầy trong một quán phở khuya trên lề đường Trưng Nữ Vương, gần nhà tôi. Một quán phở mà tôi rất ấn tượng bởi đôi vợ chồng trẻ: Lúc vắng khách, họ xách cây đàn ghi-ta ra, kẻ đệm người hát như một đôi tình nhân. Tôi “thấy” thầy tôi. Không phải là khách đi ăn khuya mà là… (xin lỗi thầy nghìn lần vì sự vụng dại này của em), mà là… một cụ già đang rửa chén bát cho hàng phở. Thì ra, vợ chồng chủ quán chính là con và dâu của thầy!
Tôi lặng lẽ gởi cho anh bạn chủ quán chút quà cho thầy và yêu cầu chỉ nói là của học trò cũ gởi biếu. “Em đừng nói là ai cả, nghe!”.
Sau đó, tôi không còn gặp thầy ở quán phở nữa. Nhưng hình ảnh của thầy vào lúc đó cứ ám ảnh mãi trong tôi. Bao nhiêu lứa học trò đã rời trường xưa, ra thành người. Nhưng người thầy vẫn lặng lẽ như ông chèo đò vô danh trên bến cũ đa đoan của cuộc đời…
Một lần họp mặt lớp cũ cuối năm ở nhà tôi, chúng tôi đã mời được các thầy Trần Đại Tăng và Hoàng Bích Sơn đến dự. Hôm ấy thật cảm động. Hoan Trinh-Trần Đại Tăng đọc lại bài thơ tình Thỏ thẻ. Thầy-nhạc sĩ Hoàng Bích Sơn vẫn đưa cánh tay phải lên để bắt nhịp bài Phan Châu Trinh hành khúc. Chúng tôi đồng ca hào hứng như những ngày niên thiếu…
Còn thầy Sơn, ánh mắt thầy hôm ấy rất lạ, như có lửa, như nung cháy bao nhiêu phiền muộn, trắc trở sau ngày rời bục giảng. Trong đôi mắt ấy, bao lứa học trò đã đi qua…
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét